Theo tờ Wall Street Journal, các nhà phân tích và điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng nói rằng giá khí đốt và giá điện vốn đang cao ngất ngưởng ở châu Âu có khả năng sẽ nhảy lên mức cao hơn trong những ngày tới. Hôm thứ Sáu, hãng khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga tuyên bố Nord Stream 1 chưa thể hoạt động trở lại sau 3 ngày bảo trì.
Châu Âu lo ngại rằng việc đường ống khổng lồ đi qua biển Baltic này tiếp tục đóng cửa sẽ đẩy giá khí đốt và giá điện ở châu Âu lên những đỉnh cao mới. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, các công ty năng lượng cung cấp các dịch vụ tiện ích gồm điện, khí đốt và nhiệt sưởi đến các hộ gia đình ở châu Âu có thể sụp đổ vì không thể xoay sở đủ tiền để trả cho việc mua khí đốt từ các công ty giao dịch năng lượng. Một làn sóng chậm trả nợ sẽ xói mòn bất ổn tài chính.
Nếu chúng ta không hành động sớm, sẽ xảy ra những gián đoạn nghiêm trọng ở vùng Bắc Âu và Baltic. Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính.
Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Anderson
“Đây chính là những thành phần của công thức dẫn tới một vụ sụp đổ kiểu như vụ Leman Brothers trong ngành năng lượng”, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Phần Lan Mika Lintila phát biểu ngày Chủ nhật.
Giới chức chính phủ Thuỵ Điển và Phần Lan đã hành động gấp rút trong hai ngày cuối tuần để vạch ra các kế hoạch nhằm đảm bảo các nhà sản xuất điện có thể thực hiện việc thanh toán đúng hạn cho các sàn giao dịch. Stockholm là nơi đặt trụ sở của công ty thanh toán Nasdaq Clearing AB - một chi nhánh của công ty sàn giao dịch Mỹ Nasdaq Inc. Nasdaq Clearing AB xử lý phần lớn các giao dịch phái sinh trên thị trường điện ở khu vực Bắc Âu.
Theo kế hoạch của Thuỵ Điển, Chính phủ nước này sẽ cung cấp bảo lãnh cho những công ty đủ tiêu chuẩn, và các công ty này có thể dùng sự bảo lãnh đó để vay tiền ngân hàng, thanh toán tiền ký quỹ cho việc mua khí đốt từ các sàn giao dịch. Chính phủ Thuỵ Điển dự kiến cung cấp bảo lãnh lên tới 250 tỷ Kroner, tương đương 23 tỷ USD - một quan chức Bộ Tài chính nước này cho hay.
Chính phủ Phần Lan có kế hoạch cung cấp bảo lãnh 10 tỷ Euro, tương đương khoảng 10 tỷ USD.
Một người phát ngôn của Nasdaq Clearing nói rằng các biện pháp này sẽ giúp thị trường điện ở châu Âu duy trì trật tự trong phiên giao dịch ngày thứ Hai. “Đây là một thời điểm có mức độ bấp bênh cực kỳ lớn và việc Chính phủ cung cấp bảo lãnh thanh khoản sẽ giúp mang lại sự ổn định”, phát ngôn viên David Augustsson nói.
Tuần trước, European Energy Exchange AG - sàn giao dịch điện lớn nhất ở châu Âu bên ngoài khu vực Bắc Âu - nói rằng Đức và các thành viên khác trong Liên minh châu Âu (EU) cần hỗ trợ các công ty thanh toán tiền ký quỹ.
Với sự bảo lãnh của chính phủ, các công ty tiện ích và doanh nghiệp năng lượng khác sẽ dễ vay tiền ngân hàng hơn để thanh toán tiền ký quỹ. Theo dự kiến, Quốc hội Thuỵ Điển sẽ bỏ phiếu về kế hoạch này trong ngày thứ Hai và kế hoạch sẽ được đưa vào thực thi ngay lập tức nếu được phê chuẩn. Một quan chức Thuỵ Điển nói rằng một mối lo lớn là chính công ty thanh toán cũng có thể sụp đổ.
“Tình trạng này đang đe doạ ổn định tài chính của chúng ta. Nếu chúng ta không hành động sớm, sẽ xảy ra những gián đoạn nghiêm trọng ở vùng Bắc Âu và Baltic”, Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Anderson phát biểu hôm thứ Bảy. “Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính”.
Việc bảo lãnh cho các công ty năng lượng sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính đối với các chính phủ, giữa lúc họ đang phải hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ ở châu Âu. Ngày Chủ nhật, Đức công bố gói hỗ trợ năng lượng thứ ba trong năm nay, trị giá 65 tỷ Euro, để giúp người tiêu dùng.
Bộ trưởng bộ năng lượng các nước EU dự kiến sẽ họp khẩn vào ngày thứ Sáu tuần này để bàn về các lựa chọn ứng phó với giá điện tăng “bốc đầu”, chẳng hạn áp trần giá đối với điện từ các nguồn không dùng khí đốt làm đầu vào.
Giá điện và khí đốt ở châu Âu thời gian gần đây biến động rất mạnh. Giá khí đốt lập kỷ lục vào cuối tháng 8 rồi sụt giảm mạnh trong tuần trước sau khi EU tuyên bố sẽ thay đổi cấu trúc thị trường điện để “hạ nhiệt” giá điện. Giá điện và giá khí đốt ở Bắc Âu và vùng Baltic biến động đặc biệt mạnh, một phần do hạn hán gây suy giảm nguồn cung thuỷ điện ở Na Uy.
Nhà phân tích Tom Marzec-Manser của ICIS dự báo giá khí đốt và giá điện ở châu Âu sẽ tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi thị trường phản ứng với việc Gazprom chưa mở cửa trở lại Nord Stream 1. “Việc đáp ứng nhu cầu, dù ở mức độ nào, cũng ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Marzec-Manser nói.
Ở một mức độ nào đó, thị trường năng lượng đã “chuẩn bị tinh thần” cho khả năng Nga cắt khí đốt hoàn toàn đối với châu Âu. Trước khi khoá Nord Stream 1 vào tuần vừa rồi, Gazprom đã giảm cung cấp khí đốt qua đường ống này xuống còn 20% công suất đường ống.
Các nhà giao dịch và chuyên gia nói rằng có một số yếu tố có thể kéo giá khí đốt xuống sau một cú tăng vọt ban đầu, và các yếu tố như vậy bao gồm động thái hỗ trợ của các chính phủ ở Bắc Âu. Ngoài ra, dự báo thời tiết cho thấy sản lượng điện của các trang trại điện gió có thể tăng, theo đó giảm bớt nhu cầu khí đốt.
Công ty tiện ích khổng lồ của Đức Uniper - đơn vị cho tới gần đây vẫn là một trong hai doanh nghiệp ở châu Âu mua nhiều khí đốt Nga nhất - vào tuần trước cho biết đã rút hết 9 tỷ Euro hạn ngạch tín dụng từ ngân hàng quốc doanh Đức KfW. Công ty này nói đã đề nghị được vay thêm 4 tỷ Euro để thanh toán tiền ký quỹ và mua khí đốt để bù đắp cho sự suy giảm nguồn cung từ Gazprom.