Thị trường không có thông tin tiêu cực bất ngờ nào, các hội nhóm đều lặng im. Có thể đây là đợt xả chốt lời sau khi giá đã tăng tốt. Điểm khác biệt chính là thanh khoản, cho thấy có nhiều nhà đầu tư đã quyết định “xuống tàu”.
Biên độ giảm gần 14 điểm (-1,11%) trong ít phút đầu tiên hôm nay là cường độ rung lắc mạnh nhất trong nhịp tăng 8 phiên đang diễn ra. Thống kê cho thấy có tới 106 cổ phiếu giảm quá 2% trong khoảng 30 phút giao dịch đầu tiên và 135 mã khác giảm từ 1% tới 2%. Rổ VN30 thậm chí chỉ còn VCB và BID là điều chỉnh nhẹ, còn lại 28 mã đều giảm quá 1%.
Quyết định chốt lời là điều có thể lường trước vì đà tăng ngắn hạn đã lên khá nhanh, nhiều cổ phiếu tăng tốt. Giá càng lên cao, VN-Index tiến về vùng đỉnh cũ nhà đầu tư càng thận trọng hơn và không muốn để mất thành quả.
Lực cầu bắt đáy của dòng tiền đến muộn cũng thể hiện khá tốt trong sáng nay. Từ đáy thấp nhất lúc 9h23, VN-Index leo dốc chậm nhưng chắc về hướng tham chiếu. Lúc 10h30 chỉ số đã xanh trở lại nhưng sau đó vẫn luẩn quẩn dưới tham chiếu trong khoảng 30 phút cuối. Chốt phiên, VN-Index giảm 1,43 điểm tương đương -0,11%. Độ rộng vẫn kém với 148 mã tăng/269 mã giảm.
Dù vậy, từ chỗ có hàng trăm cổ phiếu giảm quá 1% đầu ngày, đến cuối phiên sáng VN-Index chỉ còn 72 mã. Điều đó đồng nghĩa với rất nhiều cổ phiếu đã phục hồi tích cực, dù chưa thể thay đổi tương quan độ rộng. Tại đáy của chỉ số, độ rộng ghi nhận 48 mã tăng/303 mã giảm, tức là hơn 100 mã hồi giá đủ để vượt tham chiếu. Thống kê ở HoSE thì khoảng 54% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch đã phục hồi hơn 1% so với giá thấp nhất.
Một số cổ phiếu thu hút dòng tiền và có biên độ đảo chiều mạnh mẽ là SHB phục hồi 3,48% thành tăng 2,15% so với tham chiếu, thanh khoản 523,8 tỷ đồng; PVD phục hồi 4,8% thành tăng 3,6%, giao dịch 225 tỷ; PVT phục hồi 7,66% thành tăng 6,84%, giao dịch 207,6 tỷ; GVR phục hồi 3,77% thành tăng 0,64%, giao dịch 94,5 tỷ; DPG phục hồi 8,84% thành tăng 6,9%, giao dịch 88,1 tỷ… PLX, CTS, VOS, CMG, AGR, IJC, NHA… là các mã khác cũng bật lại với biên độ lớn và thanh khoản khá tốt.
Nhóm blue-chips có 8 mã đảo chiều thành công và đang tăng so với tham chiếu, nhưng 20 mã vẫn đang đỏ. Chỉ số đại diện rổ giảm 0,39%. Ngoài một số mã đã được điểm tên ở trên, còn có MSN, GAS, SAB, TCB phục hồi trên 2% so với giá đáy dù không phải tất cả đều vượt được tham chiếu.
Dòng tiền bắt đáy tích cực khi giá giảm không chỉ kéo giá hồi dần lên mà còn tạo thanh khoản tốt. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay tăng vọt gần 48% lên mức 11.900 tỷ đồng, cao nhất 10 phiên. Sàn HoSE tăng giao dịch 41% đạt 10.512 tỷ đồng, VN30 tăng trên 48% với hơn 4.118 tỷ đồng. Thanh khoản tăng cho thấy vẫn đang có lượng tiền lớn chờ đợi nhập cuộc và nhịp rung lắc bất ngờ đầu phiên được xem là cơ hội. Khi nhiều người hài lòng với lợi nhuận ngắn hạn 8-10 phiên vừa qua thì vẫn có những người khác chưa thỏa mãn hoặc bây giờ mới bắt đầu mua mạnh.
Phía tăng giá tuy chỉ có 148 mã nhưng hiện 72 mã đang tăng hơn 1% so với tham chiếu và thanh khoản nhóm mạnh nhất này cũng chiếm hơn 29% tổng khớp của sàn HoSE. Số giao dịch trên 100 tỷ đồng và giá đang xanh có thể kể tới SHB, TCB, MSN, PVD, PVT, EIB, REE.
Nhóm giảm giá quá 1% cũng tương đương về số lượng và thanh khoản chiếm khoảng 27,2% giá trị sàn. Áp lực lớn nhất đang xuất hiện ở NVL với thanh khoản tới 589,6 tỷ đồng và giá giảm 5,48%. Thực ra NVL cũng đã hồi lại khoảng 1,47% so với giá thấp nhất. DIG giao dịch cũng rất cao với 337 tỷ đồng, giá giảm 1,26%. Cổ phiếu này có biên độ phục hồi khoảng 2,23% so với đáy. MBB, MWG, DGC, PDR, DBC, DXG là các mã khác giảm giá với thanh khoản đáng chú ý.
Khối ngoại góp phần gây sức ép đáng kể khi xả ra tới 1.262 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE sáng nay và mức ròng là -406,1 tỷ đồng, cao nhất trong 4 phiên. Các mã bị bán lớn là TCB -61,7 tỷ, PVD -37,6 tỷ, SHB -34,6 tỷ, VHM -33,1 tỷ, GMD -32,1 tỷ, DGC -23,1 tỷ, DBC -22,3 tỷ. Nhiều mã trong số này giảm giá mạnh. Phía mua chỉ có SAB +27,5 tỷ, MWG +23,6 tỷ là đáng kể.