Theo tờ báo Đức DW, giá gạo đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, khi các nhà sản xuất lớn cắt giảm giao dịch và nguồn cung của họ.
Điều này có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới, trong đó các quốc gia châu Á và châu Phi dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Động thái của các nước xuất khẩu gạo
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đang kêu gọi nông dân nước này giảm diện tích trồng lúa nhằm tiết kiệm nước. “Lượng mưa thấp hơn khoảng 40% so với mức bình thường, gây ra nguy cơ thiếu nước cao”, ông Surasri Kidtimonton, Tổng thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia Thái Lan, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 31/7. Ông Kidtimonton khuyến khích nông dân cân nhắc trồng các loại cây cần ít nước hơn và có chu kỳ thu hoạch nhanh hơn.
Trong khi đó, Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với gạo trắng không phải là gạo Basmati vào tháng trước. Chính phủ nước này cho biết mục đích của lệnh cấm này là giúp hạ giá gạo và đảm bảo nguồn cung trong nước.
Sau đó, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nhà nhập khẩu và tái xuất khẩu lớn của gạo Ấn Độ, cũng hạn chế bán gạo cho các nước khác. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã phản ứng bằng cách thúc đẩy đàm phán lại giá trong hợp đồng mua bán khoảng nửa triệu tấn cho các lô hàng tháng 8, hãng Reuters đưa tin ngày 1/8.
Những diễn biến gần đây diễn ra khi thị trường lương thực toàn cầu đang vật lộn với những hậu quả của việc Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, vốn cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn qua Biển Đen trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nga cũng bị cáo buộc đã tăng cường những cuộc tấn công quân sự vào các cảng và cơ sở ngũ cốc của Ukraine.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng sự gián đoạn trong thương mại gạo toàn cầu có thể làm trầm trọng thêm tình hình an ninh lương thực vốn đã nguy cấp ở nhiều quốc gia.
Cơn sốt giá gạo
Giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ, đánh dấu mức tăng 14% kể từ tháng 6 năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết ấm hơn, khô hơn và lượng mưa thất thường gây thiệt hại cho sản xuất lúa gạo trên khắp châu Á. Ví dụ, trong những tháng qua, mưa lớn và lũ lụt ở miền Bắc Ấn Độ đã làm thiệt hại nhiều cánh đồng lúa. Ngoài ra, giá phân bón và nhiên liệu tăng đã góp phần làm tăng chi phí sản xuất.
Cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và việc chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc cũng đã hạn chế nguồn cung lúa mì và ngô trên toàn cầu, làm tăng nhu cầu về gạo như một loại lương thực thay thế.
Một lo ngại nữa là sự quay trở lại của hiện tượng El Nino, có thể tác động tiêu cực đến vụ thu hoạch và dẫn đến giá ngũ cốc tăng cao hơn nữa trong tương lai. Lúa là loại cây trồng cần nhiều nước, đặc biệt dễ bị tổn thương trong điều kiện El Nino, vốn thường làm giảm lượng mưa tại các khu vực sản xuất lúa trọng điểm ở châu Á.
Gạo là một trong những mặt hàng lương thực chính của thế giới, nuôi sống khoảng một nửa dân số thế giới. Khoảng 500 triệu tấn gạo được sản xuất hàng năm. Ở nhiều quốc gia, gạo đóng vai trò là nguồn cung cấp calo chính.
Năm ngoái, Ấn Độ đã xuất khẩu khoảng 22 triệu tấn gạo sang 140 quốc gia, chiếm khoảng 40% thương mại ngũ cốc toàn cầu, trong khi Thái Lan chiếm khoảng 15%.
Theo dữ liệu do Chính phủ Ấn Độ công bố, gần 80% lượng gạo xuất khẩu của nước này bao gồm các loại gạo không phải Basmati. Đây là loại gạo có giá cả phải chăng và có nhu cầu cao ở các quốc gia gặp khó khăn về kinh tế như Bangladesh, Nepal, Senegal, Benin và các khu vực khác ở tiểu vùng Sahara châu Phi.
Lệnh cấm nêu trên của Ấn Độ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực đối với nhiều quốc gia này, vì họ phụ thuộc rất nhiều vào Ấn Độ với tư cách là nhà cung cấp gạo chính.
Tuy nhiên, không có thay đổi nào trong chính sách xuất khẩu của Ấn Độ đối với gạo đồ và gạo Basmati, được vận chuyển đến các nước như Trung Quốc, Mỹ và Saudi Arabia.
Vào ngày 3/8, hai nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ nói với hãng Reuters rằng dự trữ gạo của Ấn Độ đã đạt gần gấp ba lần so với mục tiêu vào đầu tháng 8, xua tan lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung và làm tăng hy vọng rằng chính quyền nước này có thể xem xét dỡ bỏ lệnh cấm.
Tuy nhiên, tác động tiềm ẩn đối với giá cả toàn cầu vẫn chưa rõ ràng, vì quốc gia Nam Á này đang phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao đối với các mặt hàng thực phẩm và chính phủ đang nỗ lực kiểm soát giá những mặt hàng này.