Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Vừa qua, Ấn Độ, Nga, UAE đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Nhiều ý kiến cho rằng, gạo Việt có nhiều cơ hội thị trường, ông bình luận gì về việc này?
Năm 2022, chúng ta xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo với giá trị 3,49 tỷ USD. 7 tháng đầu năm, chúng ta đã xuất khẩu 4,38 triệu tấn với giá trị 2,68 tỷ USD. Dự kiến, năm nay chúng ta sẽ sản xuất từ 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8 - 2% so với năm 2022.
Việc Ấn Độ, Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo là tình thế, thời cơ cho gạo Việt, cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là tại Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ doanh nghiệp tôi cho rằng rất chí lý, đó là khi khó khăn, không bán được hàng thì cộng đồng doanh nghiệp phải có sự chia sẻ nhất định, như vậy mới có thể phát triển bền vững thị trường gạo.
Giá gạo của chúng ta hiện đã cao hơn giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ, đây là một giá trị rất lớn. Dự kiến, năm nay, xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 7 triệu tấn với giá trị 4,1 tỷ USD.
Trong nhiều năm qua, chúng ta bảo đảm an ninh lương thực trong nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực khu vực và an ninh lương thực thế giới. Với tình hình thị trường hiện nay, chúng ta vừa chớp cơ hội, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa đảm bảo nâng cao giá trị, vừa đảm bảo sự chia sẻ với cộng đồng khu vực và quốc tế.
Cơ sở nào để chúng ta có thể chớp được cơ hội thị trường từ nay đến cuối năm, thưa ông?
Hiện, 85% giống lúa của chúng ta là giống lúa mới, 89% là gạo chất lượng cao và chúng ta đang xây dựng Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Vụ lúa gạo của chúng ta chỉ có 3 tháng. Do đó, tới đây, với 85% giống lúa mới, cùng với quy trình canh tác phù hợp với từng vùng miền, việc bảo vệ đồng ruộng đã có nhiều kinh nghiệm, cùng với việc mở rộng một phần diện tích và giám sát, lưu hành, quản lý thuốc... các vụ mùa sẽ đảm bảo thắng lợi. Góp phần đảm bảo sản lượng lương thực cho an ninh lương thực trong nước với gần 100 triệu dân và cho chế biến, dự trữ, làm giống và xuất khẩu.
Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sẽ được tiến hành ra sao để có thể chớp được cơ hội thị trường này, thưa ông?
Xuất khẩu gạo, ngoài sản xuất thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thì còn vai trò của các Bộ, ngành khác.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Công văn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới.
Trong phần Chỉ thị sẽ phân định giải pháp, trách nhiệm của các bên. Khi Chỉ thị được ban hành, chúng tôi sẽ truyền thông tới các cơ quan, các địa phương, cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành để có thể phối hợp với nhau một cách chặt chẽ.
Xin cám ơn ông!