Giá dầu thô tăng giảm trái chiều
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô hôm nay như sau, giá dầu thô WTI giảm 0,02% về 81,62 USD/thùng, trái lại, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,64% lên 88,19 USD/thùng.
Thị trường giữ được sắc xanh trong phần lớn thời gian của phiên, khi các nhà đầu tư kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh mẽ sau lễ. Các nhà phân tích hàng hóa của ANZ cho biết hoạt động du lịch ở Trung Quốc tăng mạnh sau khi các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 được nới lỏng, đồng thời tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ ở 15 thành phố trọng điểm của nước này trong tháng này đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm G7 sẽ áp dụng giới hạn giá với các sản phẩm lọc dầu của của Nga từ ngày 5/2, khiến thị trường quan tâm hơn tới sản lượng dầu của Nga, nhằm đánh giá tác động của các lệnh cấm vận này.
Theo Bloomberg, tính đến tuần kết thúc ngày 20/1, tổng khối lượng xuất khẩu dầu thô trên đường biển của Nga đã giảm 820.000 thùng mỗi ngày, tương đương 22%, xuống còn 2,98 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, mức xuất khẩu trung bình trong bốn tuần tăng nhẹ 22.000 thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 là 3,08 triệu thùng/ngày.
Trong đó, xuất khẩu dầu thô trên biển của Nga sang các nước châu Âu đã giảm xuống còn 125.000 thùng/ngày. Thiếu hụt sức mua tới từ Châu Âu, khối lượng dầu thô của Nga chủ yếu hướng tới Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với với số lượng các tàu vẫn chưa cho thấy điểm đến cuối cùng - đã tăng cao hơn trong bốn tuần lên mức trung bình 2,9 triệu thùng mỗi ngày.
Ấn Độ hiện đã trở thành người mua hàng đầu của Nga trong vài tháng nay, lấp đầy khoảng trống mà EU để lại. Nhập khẩu dầu thô đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng vào tháng 12, khi các nhà máy lọc dầu của nước này đẩy mạnh dự trữ nhiên liệu giảm giá của Nga để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa đang tăng đều đặn.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho giá dầu là việc đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index đã có lúc rớt về 101,6 điểm, mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Tuy nhiên, sau đó đồng USD hồi phục trở lại vào cuối phiên và hạn chế đà tăng của giá dầu.
Bạc tiếp nối xu hướng đi ngang, kim loại cơ bản biến động nhẹ
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 23/01, nhóm kim loại ghi nhận những diễn biến có phần trái chiều. Kết thúc phiên, giá bạc giảm 1,59% xuống mức 23,55 USD/ounce. Sau khi vượt trội hơn so với vàng trong tháng 11 và tháng 12 năm 2022, bạc đang ở trong xu hướng đi ngang, dao động quanh mức 23 - 24 USD/ounce. Sự thiếu động lực tăng của bạc cũng khá tương phản khi so với các kim loại công nghiệp khác như đồng, gần đây đã đạt mức cao nhất trong 7 tháng.
Bạch kim bắt đầu tuần mới với diễn biến giằng co, tăng nhẹ 0,81% lên mức 1.056,3 USD/ounce. Hiệu suất giá bạch kim thường mạnh theo mùa vào tháng 1 và tháng 2, do sản xuất mỏ tinh chế bị ảnh hưởng bởi việc nối lại hoạt động tại Nam Phi sau các kỳ nghỉ lễ trước đó. Xu hướng theo mùa tiêu cực trong lịch sử đối với sản xuất tại quốc gia này có thể trở nên tồi tệ hơn bởi tình trạng thiếu điện, kéo theo những lo ngại về nguồn cung và hỗ trợ cho giá bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX trải qua một phiên biến động giằng co, kết thúc với mức giá 4,26 USD/pound, tăng 0,12% so với phiên trước đó. Khối lượng giao dịch mỏng hơn khi các nhà đầu tư thận trọng trong bối cảnh quốc gia tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc nghỉ Lễ Tết Nguyên đán, kéo theo sự suy yếu tạm thời trong nhu cầu tiêu thụ kim loại cơ bản cho các hoạt động công nghiệp, từ đó gây áp lực tới giá đồng trong phiên. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vẫn đang tương đối tích cực, nhất là khi nguồn cung có những dấu hiệu thắt chặt nhất định. Tập đoàn Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng tinh luyện toàn cầu đã thiếu hụt 89.000 tấn đồng trong tháng 11, trong khi tháng 10 ghi nhận mức thặng dư 68.000 tấn. Tính trong 11 tháng đầu năm 2022, thị trường thâm hụt 384.000 tấn đồng, trong khi bức tranh tiêu thụ dự kiến sẽ bùng nổ tại Trung Quốc trong thời gian tới vẫn sẽ hỗ trợ cho xu hướng tăng của giá đồng.
Giá cà phê Arabica tăng mạnh lên mức cao nhất 2 tuần
Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của năm âm lịch, sắc xanh tiếp tục áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi Arabica tăng trưởng tốt khi số liệu xuất khẩu suy yếu trong những ngày đầu năm 2023.
Với mức tăng 2,42%, Arabica đạt mức giá cao nhất trong 2 tuần trở lại đây ngay trong bối cảnh xuất khẩu suy yếu trong đầu năm 2023. Theo dữ liệu từ chính phủ Brazil, quốc gia cung ứng Arabica lớn nhất thế giới đã xuất khẩu hơn 121.000 tấn cà phê trong 3 tuần đầu tháng 01/2023, giảm mạnh so với mức 178.051 nghìn tấn của cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, lượng cà phê đang chờ phân loại lại để chuyển vào các kho dự trữ của ICE đang ở mức rất thấp và có thể sẽ chuyển hướng không còn là yếu tố gây áp lực lên giá.
Ca cao cũng là mặt hàng có được mức tăng khá tốt trong phiên hôm qua với 1,52%. sản lượng ca cao tại Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất khẩu số 1 thế giới đứng trước nguy cơ có thể suy yếu do nắng nóng khiến năng suất giảm.
Giống với Arabica, bông cũng ghi nhận sự khởi sắc trong phiên giao dịch hôm qua với mức tăng gần 1%. Dollar Index nối dài đà giảm, đồng nghĩa với việc Dollar Mỹ suy yếu. Điều này giúp giá bông Mỹ trở nên rẻ hơn đối với khách hàng nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó kích thích lực mua trên thị trường và hỗ trợ giá tăng.
Ở chiều ngược lại, Robusta quay đầu giảm nhẹ dù cho sản lượng tại các nước cung ứng chính đều được dự đoán sẽ suy yếu. Theo đó, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 dự đoán có thể sẽ giảm mạnh 5,6 triệu bao so với niên vụ hiện tại, điều này cũng phần nào hạn chế đà giảm của giá.
Đường 11 có phiên giao dịch khá giằng co, đóng cửa, giá giảm nhẹ 0,11%. Một mặt giá được hỗ trợ bởi số liệu xuất khẩu tiêu cực trong 3 tuần đầu tháng 01 tại Brazil. Theo đó, trong khoảng thời gian này, Brazil đã xuất khẩu được hơn 1,2 triệu tấn đường, thấp hơn 1,3 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, áp lực từ việc giá dầu giảm đã kéo theo giá đường suy yếu và đóng cửa với sắc đỏ.
Giá cà phê nội địa giảm nhẹ, cùng chiều giá Robusta thế giới
Cùng chiều với giá thế giới, trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ cũng được điều chỉnh giảm nhẹ 100 đồng /kg. Theo đó, giá cà phê trong nước được chào bán trong khoảng giá 40.500 – 41.100 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 40.500 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng. Sau điều chỉnh, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đang có cùng mức giá 41.100 đồng/kg.
Theo thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, tính trong 15 ngày đầu tháng 01/2023, cả nước đã xuất khẩu hơn 91,9 nghìn tấn cà phê, tương đương kim ngạch đạt hơn 202,5 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu khẩu cà phê giai đoạn 01/01 - 15/01 đã giảm 20% về lượng và giảm 18% về giá trị.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nông sản