Giá dầu bật tăng
Thống kê từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu thô hôm nay như sau, giá dầu WTI ghi nhận mức tăng 6,85% lên mức 79,56 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức 83,92 USD/thùng, tăng 6,3%.
Ngay từ đầu tuần, giá dầu đã nhận được lực mua tương đối tích cực trước các cam kết của Chính phủ Trung Quốc tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương, với việc kêu gọi tăng cường chính sách hỗ trợ để thực hiện mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế trong năm 2023 sắp tới. Các nhà hoạch định chính sách có thể nhắm tới mục tiêu tăng trưởng 5%, và điều này làm tăng kỳ vọng nhu cầu dầu thô cho các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ được thúc đẩy, từ đó hỗ trợ cho giá.
Lực mua cũng được được thúc đẩy hơn nữa khi Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ trong tuần trước giảm mạnh hơn dự báo ở mức 5,9 triệu thùng. Đặc biệt là tồn kho nhiên liệu chưng cất cắt đứt chuỗi tăng trước đó, với mức giảm 0,2 triệu thùng, phản ánh nhu cầu có thể tăng lên trước các đợt lạnh sắp tới.
Tại Mỹ, cơn bão mùa đông Elliot đang gây ra các gián đoạn đáng kể tới nguồn cung, với nhiều nhà máy lọc dầu ở Texas và Bắc Dakota phải tạm ngừng hoạt động. Khoảng 1/3 công suất lọc dầu ở Texas và khoảng 350.000 thùng/ngày ở Bắc Dakota đã bị ảnh hưởng bởi cái lạnh “đóng băng” sản lượng. Sản lượng lọc dầu giảm, trong khi nhu cầu sưởi ấm dự kiến tăng có thể tiếp tục hỗ trợ giá trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, thị trường cũng phản ứng mạnh với phản hồi đáng chú ý nhất từ phía Nga kể từ sau lệnh trừng phạt dầu Nga từ phía EU có hiệu lực vào ngày 5/12. Cụ thể, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga có thể cắt giảm sản lượng dầu từ 5% -7%, tương đương khoảng 500.000 đến 700.000 thùng/ngày vào đầu năm 2023, đồng thời ngừng bán dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thắt chặt và kéo giá tiếp tục tăng mạnh trong phiên cuối tuần.
Tuy nhiên, vào hôm qua ngày 25/12, Phó Thủ tướng Nga cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Nga có thể thay thế và tăng xuất khẩu dầu thô nếu EU cấm nhập khẩu nhiên liệu tinh chế của quốc gia này. Điều này có thể sẽ làm phức tạp hơn về nguồn cung trên thị trường. Về phía nguồn cung tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 22/12 có sự cải thiện khi số lượng giàn khoan dầu khí theo dữ liệu của hãng khai thác Baker Hughes tăng 3 giàn trong. Điều này có thể khiến giá dầu gặp sức ép nhẹ, tuy nhiên, nhu cầu được kỳ vọng phục hồi vẫn sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong trung và dài hạn.
Giá khí tự nhiên ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 10, với mức giảm hơn 20%. Giới hạn giá của EU dường như sẽ gặp khó khăn, khi các bộ trưởng năng lượng của EU đã đạt được thỏa thuận chính trị về một quy định đặt ra cái gọi là “cơ chế điều chỉnh thị trường”. Trong đó, nếu rủi ro đối với an ninh nguồn cung xảy ra, EU sẽ đình chỉ quy định trần giá. Tuy nhiên, cơn bão mùa đông khổng lồ tàn phá phần lớn Bắc Mỹ làm đóng băng chất lỏng trong đường ống và buộc các giếng phải đóng cửa có thể sẽ là yếu tố kéo giá khí tự nhiên phục hồi trong thời gian tới.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp
Bảng giá kim loại