Giá dầu giảm đột ngột vào cuối tuần
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), dầu thô đánh dấu đà tăng giá trở lại sau 4 tuần giảm liên tiếp trong tuần 15/05 – 21/05, được hỗ trợ bởi tình hình vĩ mô tại Mỹ khởi sắc hơn và tình hình tiêu thụ nhiên liệu khả quan tại các nền kinh tế lớn. Giá dầu WTI chốt tuần gần 71,7 USD/thùng, với mức tăng 1,67%. Dầu Brent tăng 1,57% lên sát mốc 75,5 USD/thùng.
Vào đầu tuần, thị trường dầu thô lấy lại sắc xanh trong phiên giao dịch, chấm dứt chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp. Kết thúc phiên 22/05, giá dầu thô WTI tăng nhẹ 0,50% lên 72,05 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,53% lên 75,87 USD/thùng.
Sang ngày 23/4, sau một vài phiên biến động giằng co trước đó, giá dầu kết thúc phiên giao dịch với mức tăng đáng kể. Dầu WTI chốt phiên ở mức 72,91 USD/thùng sau khi tăng 1,19%. Giá dầu Brent tăng 1,98% lên mức 77,37 USD/thùng. Mặc dù các thông tin vĩ mô không quá tích cực, nhưng các yếu tố tác động tới cung cầu đã hỗ trợ cho giá.
Thị trường dầu thô tiếp tục duy trì được sắc xanh phiên thứ ba liên tiếp vào ngày tiếp theo với giá dầu thô WTI tăng 1,96% lên 74,34 USD/thùng, và giá dầu thô Brent tăng 1,94% lên 78,23 USD/thùng.
Đến phiên cuối tuần, đà giảm mạnh của giá dầu trong phiên giao dịch đã xoá bỏ hoàn toàn mức tăng tích luỹ trong 3 phiên giao dịch trước đó. Cuộc đàm phán trần nợ công Mỹ vẫn chưa đi đến thỏa thuận, tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư. Trong khi đó, khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng trong cuộc họp tháng 6, trái với lo ngại cắt giảm thêm, đã đồng thời thúc đẩy lực bán trên thị trường.
Mặc dù vẫn chưa chính thức đi đến sự đồng thuận trong cuộc đàm phán nâng mức trần nợ tại Mỹ, nhưng Chính phủ đã phát đi vài tín hiệu khả quan hơn. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã nhấn mạnh về việc quyết tâm sớm đạt được thỏa thuận nhằm nâng trần nợ 31.400 tỷ USD để tránh một “thảm họa kinh tế”. Trong bối cảnh rủi ro suy thoái tiềm ẩn có thể hạn chế nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, thông tin tích cực này đã hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong tuần qua.
Nhu cầu nhiên liệu ghi nhận sự khởi sắc đáng kể. Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy số liệu xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc ngày 12/05, từ mức 2,9 triệu thùng/ngày lên 4,3 triệu thùng/ngày. Điều này phản ánh nhu cầu gia tăng từ các đối tác thương mại của Mỹ.
Thông lượng lọc dầu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 61,1 triệu tấn, mức cao thứ hai được ghi nhận, theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS).
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc duy trì hoạt động ở mức cao để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước đang hồi phục và xây dựng kho dự trữ trước mùa du lịch hè.
Giá kim loại đồng loạt giảm
Vào đầu tuần, giá hai mặt hàng kim loại chủ chốt là đồng và quặng sắt đều chịu sức ép do triển vọng tiêu thụ mờ nhạt tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới.
Kết phiên, giá đồng COMEX giảm 1,26% xuống 3,68 USD/pound và giá sắt giảm 3,07% xuống 102,14 USD/tấn.
Kết thúc phiên 23/05, thị trường kim loại tiếp tục trải qua một phiên lao dốc . Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim giảm 1,83% sau 2 phiên tăng liên tiếp, chốt phiên tại mức 1.057,6 USD/ounce. Giá bạc giảm 0,99% xuống 23,62 USD/ounce.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng USD mạnh lên và triển vọng tiêu thụ kém sắc tiếp tục đè nặng lên giá hai mặt hàng chủ chốt là đồng và quặng sắt. Giá đồng COMEX giảm 0,83% xuống 8.056 USD/tấn, mức giá thấp nhất trong gần 6 tháng. Giá quặng sắt đánh mất mốc 100 USD/tấn sau khi giảm mạnh 2,11%, chốt phiên tại 99,98 USD/tấn.
Vào cuối tuần, thêm một phiên giao dịch bảng giá kim loại chìm trong sắc đỏ. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạch kim chấm dứt đà tăng 2 phiên liên tiếp sau khi giảm 2,65% xuống 1.029,5 USD/ounce. Giá bạc giảm 1,63%, chốt phiên tại mức 23,24 USD/ounce.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiềm ẩn nhiều rủi ro, vai trò trú ẩn của kim loại quý có phần thất thế hơn khi nhà đầu tư phân bổ danh mục đầu tư sang nắm giữ tiền mặt với tính thanh khoản và trú ẩn cao.
Các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và đại diện Đảng Cộng hòa về việc nâng trần nợ của Mỹ tiếp tục kéo dài mà không đạt được thỏa thuận nào. Điều này khiến nhà đầu tư ngày càng lo lắng khi nguy cơ vỡ nợ vào ngày 01/06 đang đến gần.
Biên bản cuộc họp tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố đêm qua cho thấy Fed vẫn còn bỏ ngỏ khả năng tăng lãi suất. Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết việc chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất là không có khả năng.
Sau khi biên bản họp được công bố, số nhà đầu tư cho rằng Fed tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 6 đã tăng lên 36,4%, từ mức 28,1%, theo công cụ CME FedWatch.
Lo ngại rủi ro vỡ nợ và lãi suất tiếp tục tăng đã thúc đẩy nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang nắm giữ đồng USD với tính thanh khoản cao. Chỉ số Dollar Index tăng thêm 0,39% lên 103,89 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 tháng. Chi phí đầu tư đắt đỏ hơn làm giảm sức mua bạc và bạch kim. Hơn nữa, mức lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng vọt làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,54% xuống 3,56 USD/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022. Mặt hàng này chịu sức ép khi nhu cầu tiêu thụ chưa có dấu hiệu khởi sắc, nguồn cung đồng lại tương đối ổn định. Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết thị trường đồng tinh luyện thặng dư 2.000 tấn trong tháng 3. Tính trong quý I/2023, mức thặng dư đã tăng lên 332.000 tấn, tăng hơn 40 lần so với mức thặng dư 8.000 tấn trong cùng kỳ năm ngoái.
Giá sắt cũng giảm mạnh 4,52% xuống 95,46 USD/tấn. Triển vọng ngành thép kém sắc tiếp tục làm giảm sức mua quặng sắt do sắt là nguyên liệu đầu vào sản xuất thép. Theo dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội thép thế giới (WorldSteel), tổng sản lượng thép thô trên thế giới ghi nhận được trong tháng 4 đạt 161,4 triệu tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cà phê suy yếu
Còn đối với thị trường cà phê, trong bối cảnh suy thoái kinh tế cản trở khả năng tiêu thụ như hiện tại, các tin tức về nguồn cung, thời tiết hay mùa vụ cũng sẽ là yếu tố chính chi phối xu hướng giá.
Trong khi đó, giá Robusta sẽ tiếp tục được thúc đẩy do xuất khẩu của Việt Nam và Indonesia chưa thể sớm cải thiện với việc lượng hàng được đẩy ra thị trường còn rất hạn chế. Điều này sẽ tạo hỗ trợ cứng để giá thu mua cà phê trong nước có thể sớm vượt mốc 60.000 đồng/kg trong tuần này.
Tiếp theo xu hướng đó, vào cuối tuần, cà phê Arabica dẫn đầu đà suy yếu của thị trường nguyên liệu công nghiệp, với mức giảm gần 3% khi thị trường đón nhận thêm thông tin về triển vọng nguồn cung tích cực trong niên vụ 2023/24 tại Brazil.
Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Chính phủ Brazil (Conab) đã tăng ước tính sản lượng Arabica trong năm 2023 tại Brazil từ 37,43 triệu bao trong báo cáo khảo sát mùa vụ lần thứ nhất lên 37,93 triệu bao trong báo cáo mới nhất, tương đương mức cao hơn 16% so với sản lượng năm 2022. Trong khi đó, cà phê Robusta chỉ suy yếu nhẹ dưới 1%.