Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa hôm nay 30/6/2023 diễn biến như sau: Dầu thô ghi nhận phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp do những dữ liệu kinh tế mới của Mỹ cho thấy tín hiệu tích cực hơn về tăng trưởng. Trong khi đó, nỗi lo nguồn cung thu hẹp tiềm ẩn cũng thúc đẩy lực mua trên thị trường. Giá dầu WTI tăng 0,43% lên 69,86 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên ở mức 74,51 USD/thùng sau khi tăng 0,36%.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong Quý I/2023 bất ngờ được điều chỉnh tăng so với báo cáo sơ bộ được công bố trước đó, với mức tăng 2% so với quý trước đó, cao hơn đáng kể so với con số 0,7%.
Điều này phản ánh sự điều chỉnh tăng đối với hoạt động xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng. Chi tiêu hộ gia đình, động lực của nền kinh tế Mỹ, đã tăng với tốc độ 4,2% trong quý đầu năm, mức tăng mạnh nhất trong gần 2 năm qua.
Thêm vào các tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Mỹ, trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm 26.000 xuống mức 239.000 trong tuần kết thúc vào ngày 24/06, sau 6 tuần tăng liên tiếp.
Tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế của các nhà đầu tư phần nào được giảm bớt, và thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu thô bởi kỳ vọng nhu cầu nhiên liệu tích cực hơn.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Mỹ lạc quan hơn cũng làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian tới. Do đó, giá dầu nhanh chóng rút chân khi chạm vùng kháng cự 70,6 USD đối với dầu WTI và 75,2 USD đối với dầu Brent.
Về yếu tố cung cầu, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, làm gia tăng rủi ro thiếu hụt nguồn cung trong giai đoạn cuối năm 2023.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ Reuters, xuất khẩu dầu bằng đường biển của Nga từ các cảng chính Primorsk, Ust-Luga và Novorossiisk dự kiến giảm xuống 1,9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 so với mức 2,3 triệu thùng/ngày trong tháng 6, do các nhà máy lọc dầu trong nước tăng cường hoạt động phục vụ nhu cầu nội địa, và cam kết cắt giảm bổ sung của Nga.
Dòng chảy dầu thô từ Nga trong những tháng tới được dự báo sẽ giảm bớt, cũng đã thúc đẩy giá dầu tăng trong trong phiên.
Thị trường kim loại chịu sức ép
Chốt phiên giao dịch ngày 29/6, sắc đỏ có phần áp đảo hơn trên bảng giá thị trường kim loại. Đối với nhóm kim loại quý, cả giá bạc và bạch kim nối dài đà giảm. Giá bạc giảm 1,24% xuống 22,79 USD/ounce và giá bạch kim giảm phiên thứ ba liên tiếp với mức giảm 1,96%, chốt phiên tại mức 906,8 USD/ounce.
MXV cho biết, đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng mạnh đã làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý trong phiên hôm qua.
Trong tối ngày 29/6, Bộ Thương mại Mỹ cho biết tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt mức 2% trong quý I, cao hơn 0,7% so với báo cáo sơ bộ, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang vận hành tốt bất chấp những đợt thắt chặt tín dụng liên tiếp.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ công bố số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 24/06 giảm 26.000 đơn so với tuần 17/6 xuống mức 239.000 đơn, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 20 tháng. Con số này cũng thấp hơn 26.000 đơn so với ước tính của giới chuyên gia. Điều này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn tương đối ổn định.
Một loạt các dữ liệu kinh tế tích cực này đã làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế tại Mỹ và thúc đẩy đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần là 103,34 điểm, sau khi tăng 0,42%. Đồng USD mạnh lên khiến bạc và bạch kim gặp sức ép do chi phí đầu tư đắt đỏ hơn.
Hơn nữa, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm phục hồi 13 điểm cơ bản lên mức 3,84%, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong hơn 3 tuần, cũng làm giảm sự hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 1,16%, đánh dấu phiên giảm thứ 6 liên tiếp và là chuỗi giảm giá dài nhất của giá đồng kể từ tháng 4.
Theo MXV, sự phục hồi của đồng USD đã gây sức ép tới thị trường đồng do chi phí mua hàng vật chất đắt đỏ hơn. Hơn nữa, trong khi tiêu thụ đồng còn yếu kém thì lo ngại nguồn cung thu hẹp đã giảm bớt, khiến sức bán gia tăng đối với đồng. Cụ thể, mỏ đồng Antamina dự kiến sẽ kéo dài tuổi thọ cho tới năm 2036, tăng thêm 8 năm so với ước tính ban đầu. Antamina là mỏ đồng lớn nhất của Peru, với sản lượng 467.905 tấn đồng vào năm ngoái.
Giá quặng sắt cũng giảm 0,58% xuống 111,09 USD/tấn, tăng trưởng kinh tế yếu kém vẫn đang là lực cản đối với tiêu thụ sắt thép tại Trung Quốc, quốc gia mua hơn 70% tổng khối lượng quặng sắt và sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới.
Các nhà phân tích của Hãng tin Reuters vào hôm qua đã đưa ra dự báo xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong năm nay do tiêu thụ nội địa sụt giảm. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu thép của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt 77 triệu tấn trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2016.
Giá một số hàng hóa khác