Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), bởi những diễn biến mang tính trái chiều đã kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,8%, đạt mức 2.728,3 điểm.
Nhóm kim loại tiếp tục cho thấy những tác động lấn át của yếu tố vĩ mô do lo ngại lãi suất của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng mạnh trong tương lai. Giá kim loại quý và kim loại cơ bản đều nối dài đà suy yếu từ cuối tuần trước. Mặt khác, giá dầu thô đón nhận lực mua tích cực trong bối cảnh triển vọng về nguồn cung có xu hướng thắt chặt, bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế. Mức độ tác động khác nhau của cả yếu tố cung cầu và vĩ mô đã giúp duy trì sự sôi động trên thị trường hàng hoá. Giá trị giao dịch toàn Sở giữ vững ở mức cao, đạt hơn 4.300 tỷ đồng trong phiên đầu tuần.
Giá dầu tăng mạnh trước những lo ngại về nguồn cung
Giá dầu tăng mạnh trở lại trong phiên giao dịch hôm nay, khi thị trường kỳ vọng nguồn cung sẽ bị thắt chặt trong giai đoạn tới. Hiện, giá dầu WTI tăng 4,24% lên 97,01 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 3,96% lên 102,93 USD/thùng. Giá dầu đang lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), cuộc họp sắp tới ngày 05/09, các thành viên OPEC có thể sẽ thảo luận về khả năng đưa ra một thỏa thuận sản lượng mới, và không loại trừ khả năng nhóm sẽ kiềm chế nguồn cung để hỗ trợ giá dầu, nhất là khi nguồn thu của các thành viên phụ thuộc lớn vào loại “vàng đen” này.
Hiện tại, “bộ đệm” trong kho dự trữ đã không còn, với kho dự trữ chiến lược của Mỹ hiện chỉ còn 450 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/1984. Trong khi đó, theo khảo sát của Reuters, tồn kho dầu thô giảm khoảng 600.000 thùng trong tuần vừa rồi.
Dollar Index tiếp tục tăng trong phiên giao dịch hôm nay, khi rủi ro suy thoái vẫn đè nặng lên thị trường chung, phần nào gây áp lực lên các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh. Tuy vậy, ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, ngay cả khi kinh tế gặp khó khăn, thì hàng hóa nói chung, đặc biệt là dầu, với tư cách là nguồn năng lượng chính cho nền kinh tế, vẫn được hưởng lợi và có khả năng tăng.
Yếu tố vĩ mô lấn át, giá kim loại tiếp tục lao dốc
Thị trường kim loại quý tiếp tục hấp thụ các tin tức vĩ mô về khả năng tăng lãi suất mạnh mẽ của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới, sau Hội nghị chuyên đề Kinh tế Jackson Hole diễn ra vào cuối tuần vừa qua. Bạc và bạch kim đều ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp với mức giảm lần lượt là 1,01% xuống 18,55 USD/ounce và 0,12% xuống 854,3 USD/ounce. Đây đều là mức giá đóng cửa thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng qua.
Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, hiện có tới 72% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 sắp tới. Con số này đã tăng so với mức 55% từ đầu tuần trước. Giá bạc và bạch kim vốn nhạy cảm với thông tin về lãi suất tiếp tục chịu áp lực bán tháo.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX kết phiên trong sắc đỏ với mức giảm mạnh 2,3% xuống còn 3,61 USD/pound khi yếu tố vĩ mô có xu hướng lấn át nguồn cung thắt chặt. Codelco, nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới thuộc sở hữu của Chile, đã cắt giảm triển vọng sản xuất cho năm 2022 do chất lượng quặng suy giảm. Công ty cho biết hiện sản lượng dự kiến sẽ đạt từ 1,49 triệu đến 1,51 triệu tấn trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 1,61 triệu tấn. Mặc dù vậy, lo ngại về việc lãi suất tăng mạnh gây ra suy thoái kinh tế tại các nền kinh tế lớn đã lấn át thông tin về triển vọng nguồn cung thu hẹp trong tương lai, kéo theo sự suy yếu của giá đồng.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ kim loại cơ bản lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiệm vụ phục hồi tăng trưởng đầy thách thức. Mới đây, các chuyên gia kinh tế Bloomberg tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 đối với quốc gia này từ mức 3,9% xuống 3,5%. Điều đó cũng đã gây sức ép tới giá quặng sắt và khiến giá giảm 3,68% xuống mức 101,81 USD/tấn trong phiên hôm qua.
Triển vọng tích cực trong bức tranh tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng cuối năm
So với hồi đầu năm, giá sắt thép nội địa đã hạ nhiệt đáng kể với 15 lần điều chỉnh giảm kể từ đầu tháng 5 cho đến nay. Hiện tại giá thép dao động trong khoảng 14,3 - 15,3 triệu đồng/tấn, và đây là tín hiệu tích cực cho ngành xây dựng trong nước.
Trong khi đó, giá xi măng sau dự kiến sẽ ổn định hơn trong giai đoạn cuối năm sau những đợt tăng liên tục trước đó. Do xuất khẩu ngày càng khó khăn, các đơn vị đã quay sang tập trung nguồn lực cạnh tranh thị phần trong nước thông qua giá bán và chính sách hỗ trợ của các thương hiệu xi măng nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Theo MXV, ngành xây dựng đang dần chuyển mình khỏi giai đoạn khó khăn nửa đầu năm khi giá nguyên vật liệu hạ nhiệt. Trong giai đoạn trước, ngay cả khi vật liệu quan trọng nhất là thép đã bớt căng thẳng kể từ hồi tháng 5, nhưng việc giá vật liệu khác như xi măng, cát, đá xây dựng tiếp tục neo cao vẫn cản trở các hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, trong giai đoạn cuối năm sắp tới, dự báo giá thép và giá xi măng sẽ ổn định hơn. Trong khi đó, đây cũng là giai đoạn mà các dự án đầu tư công được đẩy mạnh. Bức tranh tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng cải thiện sẽ giúp nhiều doanh nghiệp xử lý được hàng tồn kho và cân đối cung cầu trên thị trường nội địa.