Với việc chi phí năng lượng tăng cao, các nhà máy thép ở châu Âu đang phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa. Điều này khiến ngành thép của khối này có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.
Việc Nga cắt giảm khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây đang mang đến nhiều thiệt hại cho khối này. Cho đến nay khoảng 3 triệu tấn thép không gỉ của EU đang đứng trước rủi ro. Với chi phí năng lượng tăng cao, nhiều nhà máy đang không đủ khả năng để hoạt động.
Theo Financial Times, chỉ số S&P GSCI của kim loại công nghiệp, đã giảm hơn 9% kể từ giữa tháng 8, do thị trường lo ngại kinh tế toàn cầu suy thoái. Tính chung từ đầu năm chỉ số này giảm 17%.
Việc thị trường kim loại - nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm công nghiệp quan trọng từ phụ tùng ô tô, dây điện, đi xuống càng khiến giới chuyên gia kinh tế lo ngại rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đang đè nặng lên ngành công nghiệp.
Các nhà máy sản xuất thép tại châu Âu chưa thể 'đỏ lửa' do cuộc khủng hoảng khí đốt (Ảnh minh họa)
ArcelorMittal sẽ đóng cửa một trong hai lò cao của mình tại địa điểm luyện thép ở Bremen, Đức, từ cuối tháng 9 cho đến khi có thông báo mới. Nguyên nhân do giá năng lượng tăng "cắt cổ", đại diện công ty cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu vừa qua. Giá năng lượng tăng cao đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh trong sản xuất thép của họ.
Gã khổng lồ thép cũng cho rằng nhu cầu thị trường yếu, triển vọng kinh tế tiêu cực và chi phí CO2 cao trong sản xuất thép là những lý do cho quyết định của mình.
Giám đốc điều hành của ArcelorMittal Germany, ông Reiner Blaschek cho biết: "Chi phí gas và điện cao đang gây áp lực lớn lên khả năng cạnh tranh. Đặc biệt hơn kể từ tháng 10 trở đi, chính phủ Đức sẽ phải chịu thuế khí đốt theo kế hoạch, điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho chúng tôi".
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội các Phòng công nghiệp và thương mại Đức cho thấy, cứ 6 công ty công nghiệp thì có 1 công ty buộc phải giảm sản lượng do giá năng lượng tăng cao.
Gần 1/4 số công ty buộc phải cắt giảm sản lượng và 1/4 khác đang trong quá trình thu hẹp sản xuất trở lại do giá năng lượng cao ngất ngưởng, theo khảo sát của 3.500 công ty thuộc mọi lĩnh vực ở Đức.
Các ngành và công ty sử dụng nhiều năng lượng bị ảnh hưởng đặc biệt, vì 32% công ty có kế hoạch hoặc đã bắt đầu giảm sản lượng và thậm chí ngừng toàn bộ dây chuyền sản xuất. Giá thép không gỉ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường tiến gần đến quý cuối cùng của năm.
Ông Peter Ghilchik - Trưởng bộ phận phân tích ngành hàng tại công ty tư vấn CRU có trụ sở lại Anh cho rằng, đà bán tháo kim loại đã kết thúc nhưng trong thời gian tới, thị trường vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế.
Ngân hàng Goldman Sachs cho biết mức độ suy thoái của thị trường hàng hoá mạnh hơn so với bất kỳ tài sản nào khác. Các nhà phân tích nhận định: “Những lo ngại về suy thoái tiếp tục kìm hãm thị trường hàng hoá”.
Với ngành thép của Trung Quốc, mùa đông năm nay đến sớm và khắc nghiệt hơn bình thường bởi kinh tế tăng trưởng chậm, cũng như khủng hoảng trên thị trường bất động sản.
Bất động sản, ngành chiếm hơn một phần ba tiêu thụ thép của Trung Quốc, từ cuối năm ngoái đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm thanh khoản và doanh số bán hàng đi xuống khi nhiều người mua nhà tẩy chay trả các khoản vay thế chấp do bất bình với các dự án xây dựng đình trệ.
Bên cạnh đó, Covid-19 làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, sản xuất và ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Nhu cầu thép ngoài Trung Quốc cũng suy yếu do kinh tế phục hồi chậm do tác động của chiến sự tại Ukraine. Những yếu tố trên khiến ngành thép Trung Quốc bị cuốn vào "cơn bão hoàn hảo.
Có thể thấy rõ tác động từ các yếu tố trên là việc thép trong nước được điều chỉnh tăng giá sau khi giảm 15 lần liên tiếp.
Giá thép trong nước bật tăng sau 15 lần giảm liên tiếp kể từ 11/5.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, nhu cầu thép xây dựng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Bên cạnh đó, dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Nhu cầu thép xây dựng kỳ vọng sẽ sớm phục hồi khi giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam tăng tốc từ cuối năm sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hoàn thành giai đoạn phê duyệt thủ tục.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp trong nước phần lớn vẫn đến từ nhập khẩu. Do đó, giá kim loại thế giới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường sắt thép, vật liệu xây dựng nội địa. Điều này đặt ra bài toán cân đối tài chính đối với các nhà thầu và công ty xây dựng. Bảo hiểm giá sẽ dần trở thành công cụ quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Thị trường kim loại thế giới được dự báo nhiều khả năng sẽ lấy lại đà phục hồi trong giai đoạn cuối năm khi mà sức ép mạnh từ các thông tin vĩ mô đã dần phản ánh vào giá.