Theo số liệu từ công ty phân tích thị trường IDC, doanh số smartphone ở Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm tới 13% so với năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất trong vòng 10 năm qua trên thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc.
Cụ thể, tổng thiết bị xuất xưởng năm 2022 đạt 286 triệu chiếc, giảm mạnh so với con số 329 triệu chiếc vào năm 2021. Trên thị trường smartphone toàn cầu, cũng chỉ có 1,21 tỷ smartphone được xuất xưởng trong năm 2022.
Reuters nhận định sản lượng smartphone năm 2022 là mức thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay và đây cũng là lần đầu tiên doanh số cả năm của thị trường Trung Quốc nằm dưới mức 300 triệu thiết bị.
Theo IDC, Vivo là thương hiệu smartphone Android bán chạy hàng đầu Trung Quốc trong năm vừa qua, chiếm 18,6% thị phần. Tuy nhiên, số lô hàng xuất xưởng đã giảm 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xếp thứ hai là Honor với doanh số tăng 34% nhờ sản lượng năm ngoái thấp.
Apple cũng không kém cạnh tại thị trường quốc gia tỷ dân khi đứng thứ 3 trong danh sách thương hiệu smartphone bán chạy nhất năm 2022, đồng hạng với Oppo. Doanh số của Táo khuyết giảm 4,4% so với năm trước đó, tuy nhiên vẫn có thành tích đáng nể khi cả thị trường đang tụt dốc.
Mặc dù giữ vững ngôi vương smartphone bán chạy nhất trong quý 4/2022, doanh số cả năm của iPhone vẫn giảm sút. Nguyên nhân đến từ tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng sau biểu tình tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới ở tỉnh Trịnh Châu cùng với nhu cầu mua thấp hơn dự kiến, IDC nhận định.
Trong khi đó, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu cũng bị ảnh hưởng không ít do suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất gia tăng. Chi tiêu của người tiêu dùng cho điện thoại thông minh đã giảm mạnh, với thị trường Trung Quốc ghi nhận mức suy giảm trên 10% tại một số thời điểm trong năm.
Số liệu IDC cho thấy trên toàn cầu, tất cả thương hiệu smartphone lớn đều đang thụt lùi, giảm số lượng hàng xuất xưởng ngay trong mùa mua sắm cuối năm. Cụ thể, công ty phân tích cho biết doanh số smartphone toàn cầu trong quý IV/2022 cũng giảm mạnh mặc dù đây là giai đoạn mua sắm nhộn nhịp cuối năm.
Tổng thiết bị xuất xưởng trong giai đoạn này đạt 300,3 triệu chiếc, giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái do nền kinh tế xuống dốc, lạm phát tăng cao và nhu cầu mua thấp. Con số này cũng đánh dấu mức sụt giảm doanh thu trong quý lớn nhất từ trước đến nay của thị trường điện thoại thông minh.
“Từ trước đến nay, chưa từng có tiền lệ doanh số mùa mua sắm cuối năm quý 4 sụt giảm so với quý trước đó. Nhưng năm 2022, nhu cầu mua thấp và lượng hàng tồn kho lớn đã khiến các nhà bán lẻ cắt giảm số lô hàng xuất xưởng”, Nabila Popal, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, cho biết.
Các nhà bán lẻ bán hàng tồn kho thay vì nhận các lô hàng mới, và sẽ tiếp tục chiến lược này trong năm 2023. Do đó, công ty phân tích cho rằng những tháng cuối năm 2022 ảm đạm khiến dự đoán tăng trưởng 2,8% vào năm 2023 trước đó trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, Apple vẫn chứng minh sức hút của mình khi dẫn đầu thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2022. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã xuất xưởng 72,3 triệu thiết bị iPhone trong quý IV/2022, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn chiếm 24,1% thị phần toàn thế giới.
Theo CNBC, năm vừa qua Apple đã phải đối diện với hàng loạt vấn đề, trong đó có tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng do biểu tình tại nhà máy iPhone ở Trịnh Châu, Trung Quốc.
Xếp thứ hai trong danh sách các nhà sản xuất smartphone hàng đầu là Samsung. Doanh số của hãng công nghệ Hàn Quốc trong quý IV/2022 giảm 15,6%, đạt 58,2 triệu thiết bị. Samsung sắp sửa trình làng thiết bị mới dòng Galaxy S23 vào ngày 1/2 tới.
“Với mức sụt giảm hơn 11% vào năm 2022, 2023 sẽ là một năm mà các thương hiệu cần nâng cao cảnh giác bởi các nhà bán lẻ sẽ cân nhắc kỹ trước khi nhập hàng”, Anthony Scarsella, Giám đốc nghiên cứu tại IDC, nhận định.