Thị trường chứng khoán Việt nam vừa trải qua một phiên giao dịch không mấy tích cực. Không ít cổ phiếu bất động sản vừa tăng kịch trần phiên 20/2 đã quay đầu giảm sâu, tương tự với nhóm ngân hàng hay chứng khoán đều khó tránh khỏi tình trạng chung.
Đà giảm mạnh của VN-Index đã kéo định giá P/E xuống mức thấp nhất trong tuần qua. VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 11,88 lần. Dù định giá ghi nhận thấp hơn đáng kể mức trung bình 10 năm song không còn quá hấp dẫn so với thời điểm cuối năm 2022.
Phiên giảm mạnh hôm nay đã phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực tăng điểm của chỉ số vào phiên thứ Hai đầu tuần. Thị trường tăng nhanh, giảm sốc khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi hoang mang, lo lắng. Đánh giá về nguyên nhân của đà giảm mạnh, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco cho biết áp lực chốt lời có xu hướng tăng dần trong khoảng 4 tháng từ khi thị trường tạo đáy. Nhiều nhóm ngành dẫn dắt nhịp hồi 1 tháng trở lại đây bao gồm: xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng, dầu khí,.. đã ghi nhận mức tăng đáng kể 15-20%, thậm chí gấp đôi kể từ đáy. Điều này khiến áp lực chốt lời tăng dần và việc xuất hiện các phiên giảm điểm lớn chỉ là vấn đề thời gian.
Song song, mặc dù các doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng và Chính phủ đã thực hiện nhiều cuộc trao đổi nhằm tháo gỡ nút thắt thanh khoản, tuy nhiên hiện tại vẫn là khá sớm để đánh giá những tác động cụ thể tới các doanh nghiệp này. Đây là nhóm có tỷ trọng vốn hoá lớn, chiếm khoảng 45% toàn thị trường. Do đó khi tín hiệu khả quan từ các nhóm này chưa xuất hiện, sự giảm điểm lớn là khó tránh khỏi.
Ngoài ra, ông Khoa nhận thấy sự hỗ trợ từ dòng tiền khối ngoại, từng là động lực lớn hỗ trợ đà hồi phục của thị trường đang yếu dần khi quy mô bán ròng đang có xu hướng tăng lên trong các phiên gần đây.
Vị chuyên gia Agriseco cho rằng, áp lực bán trong thời gian tới vẫn có thể xuất hiện và xu hướng giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực chốt lời đang gia tăng, đặc biệt tại nhóm vốn hoá lớn. Một số yếu tố chính tác động tới sự hạ nhiệt của dòng tiền ngoại được ông Khoa nêu rõ như sau:
Thứ nhất, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất trong 2-3 kỳ họp kế tiếp, dòng tiền từ khối ngoại có thể chuyển dịch sang các lớp tài sản an toàn hơn như tiền gửi tiết kiệm.
Thứ hai, với việc các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng quy mô trên 30.000 tỷ trong khoảng 3 tháng từ tháng 11/2022-tháng 1/2023, đồng thời thị trường cũng tăng gần 30% trong cùng giai đoạn, áp lực chốt lời sẽ có xu hướng gia tăng và việc bán ròng hiện tại một phần để cân bằng lại cung-cầu.
Thứ ba, kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp đã có sự phân hoá rõ nét cùng với việc thị trường tăng điểm đã phần nào làm định giá thị trường cao hơn so với giai đoạn trước. Do đó, việc khối ngoại bán ròng liên tục trong 1 tuần qua không phải là hành động quá bất thường và không ngoại trừ áp lực bán vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới.
Bàn về chiến lược giao dịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Khoa cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên tận dụng nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng với các nhóm ngành đã tăng mạnh trong nhịp tăng điểm vừa qua như xây dựng, vật liệu, dầu khí.
Đối với các nhà đầu tư nắm giữ trung-dài hạn, có thể tiếp tục nắm giữ danh mục, trừ nhóm bất động sản trước áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, và nhóm ngân hàng trước khả năng các khoản nợ xấu có thể nhiều hơn trong thời gian tới làm giảm lợi nhuận.
"Đồng thời, nhà đầu tư cũng chưa nên vội vàng "bắt đáy" ngay thời điểm này mà nên tiếp tục quan sát diễn biến thị trường do rủi ro giảm điểm tương đối lớn", chuyên gia cho hay.