Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra tình huống FED sẽ thắt chặt tiền tệ mạnh hơn và lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường nếu lạm phát hạ nhiệt không như kỳ vọng của FED. Nếu điều đó xảy ra, tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam có thể chịu áp lực nhiều hơn so với kỳ vọng trong năm 2023.
Những tác động từ bên ngoài
Cuối năm 2022, IMF đã đưa ra cảnh báo: Nền kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể vào năm 2023, trong đó một số quốc gia chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2022 hoặc 2023. Cùng với dự báo đó, IMF đã hạ mức tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 từ 3,2% (mức dự báo trước đó) xuống còn 2,7%. Riêng khu vực đồng tiền chung châu Âu, IMF đã hạn mức dự báo tăng trưởng GDP từ 1,2% xuống còn 0,5% trong năm 2023.
Ở phía Tây bán cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 1,7% trước đó xuống 1,2%. Những động thái đến từ các nền kinh tế lớn cho thấy khả năng các Ngân hàng Trung ương sẽ ngưng thắt chặt các điều kiện tài chính trong năm 2023 là điều sẽ phải đến, vấn đề chỉ còn là vào thời điểm nào?.
Trong báo cáo “Cập nhật triển vọng vĩ mô thế giới và trong nước” do Công ty Chứng khoán VnDirect vừa phát hành có đưa ra nhận định: Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như châu Âu, Trung Quốc đang đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong giai đoạn 2022-2023.
Một vài Ngân hàng Trung ương đã bộc lộ ý định sẵn sàng giảm tốc độ tăng lãi suất. Do đó việc còn lại của thị trường tiền tệ là chờ đợi.
Báo cáo của VnDirect đưa ra câu trả lời bằng một câu hỏi cho việc các Ngân hàng Trung ương sẽ ngưng thắt chặt các điều kiện tài chính mà giới đầu tư tài chính đang ngóng đợi: Câu trả lời phần lớn phụ thuộc vào việc liệu các Ngân hàng Trung ương có thể đưa lạm phát xuống mức chấp nhận được hay không?
Việt Nam sẽ chịu tác động như thế nào?
Nói về tác động đến Việt Nam, báo cáo của VnDirect cho rằng: FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm 2023 và chỉ số đồng USD có xu hướng giảm. Lạm phát của Việt Nam dự báo tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm, NHNN có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023.
Dự báo lãi suất tái cấp vốn duy trì ở mức 6,0% và lãi suất tái chiết khấu duy trì ở mức 4,5% trong năm 2023. Bên cạnh đó, áp lực đối với đồng VND dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý 2/2023. VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023 do FED chuyển từ chính sách "thắt chặt tiền tệ" sang "bình thường hóa" vào năm 2023.
Theo nhận định của các chuyên gia, đà tăng của lãi suất tiền gửi có thể chậm lại trong nửa đầu năm 2023. Đặc biệt là sau khi NHNN quyết định nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2% và có hơn 240 nghìn tỷ đồng cung ra thị trường tháng cuối năm 2022.
Còn theo đánh giá của VnDirect: Lãi suất tiền gửi tiếp tục chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do việc hạn chế thanh khoản trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cộng với đó là nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế.
Lãi suất tiền gửi dự báo sẽ giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ áp lực tỷ giá giảm cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất. Hơn nữa, lạm phát trong nước được kiểm soát và đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ lạm phát trung bình năm 2023 dưới 4,5%.
"Lãi suất huy động dự báo có thể tăng nhẹ 50 điểm cơ bản trong năm 2023, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trên 200 điểm cơ bản trong năm 2022. Chúng tôi nhận thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức 8,0-8,5%/năm (bình quân) vào cuối năm 2023", chuyên gia VNDirect nhận định.
Chính phủ xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp là động lực cho thị trường vốn trong năm 2023.