Thất bại được thừa nhận khi bà Truss sa thải Bộ trưởng Bộ Tài chính và “quay xe” một phần kế hoạch kinh tế bằng cách cam kết sẽ tái áp việc tăng thuế mạnh tay đối với các công ty lớn.
Bà Truss nói bà hành động vì lợi ích quốc gia, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế và “đảm bảo với thị trường về kỷ luật tài chính của chúng tôi”. Tuy nhiên, theo trang CNN Business, hiện còn chưa rõ liệu bà Truss đã làm đủ để thuyết phục các nhà đầu tư có quan điểm hoài nghi. Tuyên bố này cũng chưa có tác dụng làm dịu đi những đồn đoán cho rằng bà Truss có thể không giữ được ghế Thủ tướng dù mới chỉ lên cầm quyền chưa đầy 1 tháng.
Bài toán phục hồi uy tín của vị tân Thủ tướng
Giá trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 30 năm - vốn biến động mạnh trong những tuần gần đây - vẫn giảm giá sau cuộc họp báo của bà Thủ tướng. Đồng Bảng Anh, dù đã phục hồi trong mấy phiên vừa qua khi thị trường nói về việc Chính phủ sẽ “nghĩ lại” về kế hoạch kinh tế, giảm 1% trong phiên ngày thứ Sáu, về mức 1,12 USD đổi 1 Bảng.
“Điều mà thị trường muốn chứng kiến là một bức tranh nhất quán, với những thứ ở trong đó gắn kết với nhau. Nếu không có được điều đó, tỷ giá đồng Bảng và giá trái phiếu chính phủ Anh sẽ lại chịu áp lực giảm”, ông Charlie Bean - một cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) - nhận định.
Khi trở thành Thủ tướng Anh vào cuối tháng 9, bà Truss cam kết một chương trình cắt giảm thuế khổng lồ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát. Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại khi thấy Chính phủ Anh sẽ phải vay mượn để có tiền cho chương trình này. Việc vay mượn gây nên bất an về khối nợ mà Chính phủ Anh đang mang, giữa lúc lãi suất tăng chóng mặt.
“Chương trình nghị sự về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đang tơi tả. Tôi e là chúng ta đã chúng ta đã để tuột mất thành quả nhiều năm chấp nhận đau thương để xây dựng và duy trì uy tín về một chính đảng có kỷ luật tài khoá và năng lực chính phủ”.
Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond
Chưa kể, kế hoạch nới lỏng tài khoá của bà Truss còn xung đột với chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm chống lạm phát của BOE. Nhà đầu tư cho rằng chính sách tài khoá như vậy sẽ đẩy lạm phát lên cao, trong khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang ra sức chống lại sự leo thang của giá cả.
Những mối lo này của nhà đầu tư đã đẩy tỷ giá đồng Bảng so với đồng USD giảm xuống mức thấp kỷ lục. Cùng với đó, giá trái phiếu chính phủ Anh lao dốc khiến lợi suất tăng vọt, kéo theo lãi suất cho vay thế chấp nhà, và đẩy một số quỹ lương hưu tới bờ vực đổ vỡ.
Đối mặt với phản ứng dữ dội từ thị trường tài chính, BOE buộc phải can thiệp bằng cách mua vào trái phiếu để ngăn một sự sụp đổ trên diện rộng trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh.
Phát biểu hôm thứ Sáu, bà Truss nói sẽ tăng thuế doanh nghiệp Anh từ 19% lên 25%, bằng cách này sẽ huy động được 18 tỷ Bảng, tương đương 20 tỷ USD. Bà nói số tiền hành sẽ “giữ vai trò như một khoản đặt cọc cho toàn bộ kế hoạch tài khoá trung hạn của chúng tôi”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng uy tín tài chính của nước Anh không thể được cứu vãn một cách dễ dàng như vậy. “Chương trình nghị sự về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ đang tơi tả. Tôi e là chúng ta đã chúng ta đã để tuột mất thành quả nhiều năm chấp nhận đau thương để xây dựng và duy trì uy tín về một chính đảng có kỷ luật tài khoá và năng lực chính phủ”, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Philip Hammond nói với hãng tin BBC.
Thị trường cũng chưa cảm thấy yên tâm hơn chút nào. Trên thực tế, nhà đầu tư tiếp tục thảo luận sôi nổi về việc liệu bà Truss có tại vị được lâu không, cho dù bà đã sa thải ông Kwasi Kwarteng khỏi ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính và bổ nhiệm ông Jeremy Hunt thay thế.
“Thị trường đang đòi hỏi có thêm hành động để cứu vãn uy tín của Chính phủ Anh”, chuyên gia kinh tế trưởng về Anh của Capital Economics, ông Paul Dales, nhận định.
Bất an và thách thức vẫn còn
Bà Truss nói bà có quan điểm nghiêm túc trong việc hạn chế tỷ lệ nợ chính phủ Anh so với tổng sản phẩm trong nước (GDP), rằng tỷ lệ này sẽ không tăng lên vì các chính sách của bà. Sau điều chỉnh mới được công bố, chương trình của bà Truss vẫn cắt giảm khoảng 25 tỷ Bảng (28 tỷ USD) tiền thuế, chưa kể đến những khoản trợ cấp năng lượng khổng lồ trong mùa đông năm nay. Capital Economics nhận định rằng mục tiêu đến năm 2024-2025 ổn định tỷ lệ nợ chính phủ/GDP của Anh vẫn là một việc ngoài tầm tay.
Vì lý do này, nhà đầu tư cảm thấy bất an, nhất là vì phải đến ngày 31/10, các chi tiết về kế hoạch mới của bà Truss mới được chính thức công bố. Theo ông Bean, thời điểm công bố cần được đẩy lên sớm hơn để trấn an nhà đầu tư. “Thị trường muốn thấy một sự chuyển hướng thực sự trong chính sách”, ông nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính mới của Anh, ông Jeremy Hunt - Ảnh: Reuters.
Về phần mình, BOE đang dõi theo mọi diễn biến trên thị trường tài chính. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong BOE đang cảnh giác cao độ, xét tới việc chương trình mua 65 tỷ Bảng trái phiếu công bố hôm 28/9 đã kết thúc vào ngày thứ Sáu. Tuần trước, Thống đốc BOE Andrew Bailey nói rằng việc mua trái phiếu sẽ không được gia hạn.
Tính đến hết ngày thứ Sáu, BOE đã mua vào gần 19,3 tỷ Bảng (21,5 tỷ USD) trái phiếu, ít hơn nhiều so với con số có thể mua. Tuy nhiên, việc BOE sẵn sàng hành động với vai trò “người mua cuối cùng” đã giúp xốc lại thị trường. Hiện chưa rõ thị trường tài chính Anh có hỗn loại trở lại khi BOE ngừng mua trái phiếu hay không.
Các động lực trên thị trường toàn cầu hiện nay cũng có thể khiến cho thị trường tài chính Anh khó đứng vững ngay cả khi Chính phủ nước này điều chỉnh kế hoạch kinh tế.
Đối mặt với lạm phát cao dai dẳng dẫn tới sự khó lường trong triển vọng lãi suất, nhiều nhà đầu tư đang chọn nắm giữ tiền mặt thay vì nắm giữ trái phiếu. Việc các nhà đầu tư chọn ngồi ngoài lề đang làm trầm trọng thêm những biến động trên thị trường trái phiếu chính phủ Anh vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.
“Tôi cho rằng các thách thức về thanh khoản sẽ tiếp diễn, chứ chẳng thể biến mất nhanh chóng được”, chiến lược gia Rohan Khana của ngân hàng UBS nhận định.