Thị trường trái phiếu gióng hồi chuông cảnh báo về rủi ro vỡ nợ của Mỹ, khi thời hạn để đạt thoả thuận nâng trần nợ có thể đến sớm hơn dự kiến.
Ngày 17/4, Mỹ đã bán 57 tỷ USD trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 3 tháng với lợi suất 5,1%, mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2001. Một tuần trước đó, cuộc đấu giá trái phiếu kỳ hạn 3 tháng tương tự ghi nhận nhu cầu mờ nhạt.
Trong khi đó, Quốc hội và Nhà Trắng vẫn chưa đạt được tiếng nói chung liên quan đến nâng trần nợ công. Theo ước tính, chính phủ Mỹ có thể cạn tiền vào tháng 7.
Nhưng các nhà lập pháp có thể sẽ phải giải quyết những lo ngại về trần nợ sớm hơn nhiều tháng so với dự kiến.
Ngân hàng JPMorgan cho biết: “Vấn đề trần nợ có thể được chú trọng sớm hơn, có lẽ ngay từ tháng 5, một khi xem xét các khoản thu thuế tháng 4. Vì giá trị tài sản giảm trên diện rộng trong năm 2022, các khoản thu thuế dự kiến cũng sẽ giảm. Do đó, Quốc hội có thể buộc phải giải quyết vấn đề này sớm hơn so với dự kiến ban đầu. Và sự kết hợp giữa lãi suất hạn chế cùng áp lực trần nợ có thể trở thành thảm hoạ”.
Các cảnh báo được đưa ra khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đến Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào ngày 17/4.
Ông cho biết một cuộc bỏ phiếu về trần nợ sẽ diễn ra sau vài tuần nữa. Nhưng nó cũng sẽ phụ thuộc vào việc cắt giảm chi tiêu và việc kêu gọi các nhà giao dịch Phố Wall tạo áp lực lên chính quyền Tổng thống Biden.
"Nếu bạn đồng ý, đừng ngồi yên. Hãy tham gia cùng chúng tôi. Hãy cùng chúng tôi yêu cầu một cuộc đàm phán hợp lý, một mức trần nợ có trách nhiệm và một thỏa thuận giúp kiểm soát chi tiêu", ông nói.
Nếu Quốc hội không nâng mức trần nợ trước khi hết tiền, Mỹ có thể phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc. Ví dụ, vỡ nợ sẽ khiến thị trường sụp đổ và đẩy nền kinh tế vào tình trạng khó khăn.
Theo MI