Nội dung chính:
- Giá vàng thế giới đạt mức cao nhất 1 tháng sau khi dữ liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ thấp hơn dự báo, nâng cao kỳ vọng Fed sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
- Các ngân hàng trung ương đang chuyển dần lượng vàng dự trữ về nước và tăng cường mua vàng vật lý do “lo ngại” về tiền lệ trừng phạt đang được áp đặt với tài sản của Nga ở nước ngoài.
- Chênh lệch giữa giá vàng thế giới và vàng miếng trong nước đã được thu hẹp.
Dữ liệu việc làm tháng 6 tại Mỹ thấp hơn dự kiến khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 7, bất chấp lạm phát đang có dấu hiệu được khống chế. Điều này có thể hạn chế đà tăng giá của vàng trong ngắn hạn.
Giá vàng đã có phiên biến động dữ dội ngay trong ngày 11/7. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá kim loại quý có thời điểm rơi thẳng đứng xuống dưới ngưỡng 1.914 USD/ounce rồi nhanh chóng bật tăng. Tính đến trưa ngày 11/7 (giờ Việt Nam), vàng giao dịch quanh ngưỡng 1.929,5 USD/ounce.
Giá vàng đã giảm hơn 7% từ mức gần kỷ lục thiết lập hồi đầu tháng 5. Ở thời điểm đó, giá vàng vượt 2.000 USD/ounce khi nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể chuyển sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Hiện tại, kỳ vọng đó không còn.
Giá vàng liên tục biến động trong lúc nhà đầu tư đợi số liệu lạm phát tháng 6 của Mỹ. Phố Wall vẫn đang nhiễu tín hiệu về nền kinh tế và lạm phát tại Mỹ. Báo cáo bảng lương mới nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm đã chậm lại nhưng tiền lương vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Đêm 12/7 - rạng sáng 13/7, giá vàng tăng 1,3% và chốt ở 1.958,3 USD/ounce sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) do Bộ Lao động Mỹ công bố cho thấy lạm phát yếu hơn dự báo.
Theo đó, CPI tháng 6 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và giảm tốc mạnh so với mức tăng 4% ghi nhận trong tháng 5.
Yếu tố hỗ trợ giá vàng còn phải kể đến việc đồng USD giảm 0,3% xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/5 và lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm cũng giảm theo.
“Giá vàng nhảy mạnh sau khi báo cáo CPI yếu hơn dự kiến đẩy cao hy vọng rằng lần tăng lãi suất tháng 7 sẽ là lần tăng cuối cùng của chu kỳ này” - Nhà giao dịch kim loại độc lập Tai Wong ở New York nhận định.
Trong phiên tiếp theo, giá vàng dao động gần mức cao nhất 1 tháng vừa qua do đồng USD giảm giá và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đi xuống. Những diễn biến này đến từ kỳ vọng rằng Fed có thể sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong thời gian tới đây.
Ông Phillip Streible - Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures ở Chicago, cho biết: "Sau dữ liệu của ngày hôm qua, chúng ta đã thấy sự phục hồi mạnh mẽ trên thị trường vàng. Vàng có cơ hội tốt nếu có thêm yếu tố kích thích để đẩy giá lên mốc 2.000 USD, nhưng chúng ta còn phải vượt qua nhiều kháng cự khác nhau".
Các ngân hàng trung ương tăng cường trữ vàng
Theo cuộc khảo sát của Invesco với 57 ngân hàng trung ương (NHTW) và 85 quỹ đầu tư nhà nước quản lý khoảng 21.000 tỷ USD tài sản, 68% NHTW nắm giữ một phần dự trữ vàng ở trong nước, tăng từ mức 50% vào năm 2020. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 74% trong 5 năm tới.
“Đa số đều đang cố gắng thay đổi chiến lược hoặc danh mục tài sản nhằm đối phó với lạm phát ngày càng tăng cao. Đó sẽ là sự thay đổi lớn”, Rod Ringrow - người đứng đầu Invesco cho biết.
Các NHTW trên toàn cầu đã mua vào lượng vàng kỷ lục trong năm 2022 và quý I/2023. Trong đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm gần 20%. Nhiều NHTW đã chọn cách mua vàng thỏi thay vì các sản phẩm phái sinh và quỹ ETF theo dõi giá vàng.
Ngoài Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, Singapore, Ấn Độ và các NHTW ở Trung Đông cũng gia tăng mua vàng vật lý vào năm ngoái.
Đầu tháng 6/2023, lượng vàng dự trữ của các NHTW trên thế giới tại Anh - một trong những trung tâm lưu trữ vàng lớn của các NHTWtoàn cầu - đã giảm 12% so với mức đỉnh năm 2021, xuống còn 164 triệu ounce.
Trưởng phòng nghiên cứu tổ chức của Invesco - Rod Ringrow nói: "Trong năm nay, các NHTW sẵn sàng mua hoặc bán vàng qua các quỹ ETF hay hợp đồng hoán đổi vàng. Họ mua vàng vật chất nhiều hơn, muốn nắm giữ vàng ở trong nước hơn là mang ra nước ngoài lưu trữ ở các NHTW khác. Đây là một phần trong phản ứng trước việc phương Tây đóng băng tài sản của NHTW Nga."
Trong phiên 12/7, Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng thêm 0,3 tấn vàng, còn nắm giữ gần 914,6 tấn vàng. Như vậy, quỹ này đã bán nhỏ giọt tổng cộng 0,6 tấn vàng trong hai phiên liên tiếp.
Giá vàng trong nước
Cuối tuần trước, giá vàng trong nước đã hồi phục và vượt qua mốc 67 triệu đồng/lượng. Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng miếng SJC niêm yết ở mức 66,45 - 67,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng nhẫn loại 24K 9999 tăng từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng/lượng. Trong đó, giá vàng nhẫn loại 99,99% của SJC được mua vào ở mức 55,2 triệu đồng/lượng và bán ra ở 56,2 triệu đồng/lượng.
Ngày 12/7, chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới rút ngắn đáng kể do vàng trong nước tăng ít hơn so với giá quốc tế. So với giá thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ cao hơn 11,5 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng 999,9 đang cao hơn chưa đầy 1 triệu đồng/lượng so với quốc tế.
Cụ thể, công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,65 triệu đồng/lượng và 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Mở cửa sáng 13/7, giá vàng SJC không có nhiều biến động so với cuối ngày hôm qua, vẫn bán ra quanh mức 67,1 - 67,2 triệu đồng/lượng. Ngược lại, giá vàng nhẫn tròn trơn 24k tăng dựng đứng và vượt mốc 57 triệu đồng/lượng. Trong vòng 1 tuần, giá vàng nhẫn 24k đã tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng, tương đương tăng gần 1,8%.