Cho đến giây khớp lệnh cuối cùng của đợt liên tục, VN-Index vẫn còn giảm gần 1 điểm nhưng đóng cửa thành tăng 0,68 điểm. Biến động này rất nhỏ, chủ yếu do thay đổi 1-2 bước giá ở vài mã lớn trong đợt ATC như VNM, GAS. Dù vậy trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có khả năng điều tiết chỉ số, không mã nào tăng nổi quá 0,7%. GAS mạnh nhất cũng chỉ tăng 0,66%, HPG tăng 0,55%, VNM tăng 0,59%.
Trong số 10 cổ phiếu kéo điểm nhiều nhất cho VN-Index xuất hiện cả những mã vừa và nhỏ như EIB, HAG, POW. Nhóm vốn hóa tầm trung của VN30 như BVH, PLX cũng có “đất” phát huy tác dụng. Dĩ nhiên các cổ phiếu này đem về quá ít điểm, trong khi sức nặng của các trụ ngân hàng như VCB giảm 0,22%, BID giảm 1,9%, TCB giảm 0,73%, MBB giảm 1,2% là áp đảo. VN-Index còn xanh điểm cuối phiên là một yếu tố may mắn.
Giao dịch ở nhóm Midcap hôm nay lại khả quan nhất, chỉ số đại diện tăng 0,64% trong khi VN30-Index tăng 0,08% và Smallcap giảm 0,07%. Mặc dù độ rộng của nhóm Midcap cũng chỉ cân bằng 37 mã tăng/25 mã giảm nhưng tới 73% giá trị giao dịch của rổ tập trung vào nhóm tăng giá với nhiều mã giao dịch rất sôi động như HAG tăng 6,42% thanh khoản 495,6 tỷ đồng; EIB tăng 4,19% với 522,7 tỷ; CII tăng 3,3% với 332,3 tỷ; VIX tăng 2,99% với 727,6 tỷ; CTD tăng 1,92% với 108,6 tỷ; HSG tăng 1,84% với 228,6 tỷ...
Một thực tế là các cổ phiếu có thanh khoản không quá cao lại đang có lợi thế đồng thời là các mã chưa tăng nhiều. Đây là điều có thể được dự báo trước khi dòng tiền chốt lời ở các cổ phiếu thanh khoản rất lớn như ngân hàng sẽ dịch chuyển đến địa chỉ mới. Một phần lớn tiền đã bị kẹt lại trong nhóm ngân hàng nên sức mua có thể bị giảm đi. Do đó cổ phiếu thanh khoản quá lớn rất khó để tăng giá.
Độ rộng cuối ngày của VN-Index cho thấy thị trường vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh khá tích cực. Dòng tiền không đột biến nhưng đủ nhiều để giữ độ phân hóa tăng giảm trong giá. Hôm nay HoSE có 250 mã tăng/221 mã giảm cuối phiên và thời điểm chỉ số giảm chạm đáy, chỉ có 180 mã tăng/298 mã giảm. Thay đổi trong độ rộng cho thấy vẫn có khả năng phục hồi giá khá thuận lợi khi dòng tiền xoay vòng vào bắt đáy.
Hiệu ứng thường thấy của hiện tượng xoay vòng này là chỉ số sẽ tăng chậm hoặc đi ngang giảm nhẹ trong khi cổ phiếu sẽ tạo khác biệt. Thực ra 3 phiên gần đây VN-Index đã mất quán tính một cách rõ rệt do sức kéo của nhóm dẫn dắt là ngân hàng giảm tốc trong khi chưa có các trụ khác thay thế kịp thời. Tuy nhiên trong cả 3 phiên độ rộng vẫn duy trì cân bằng và vẫn có nhiều mã tăng giá liên tục.
Thanh khoản thị trường không đột biến nhưng vẫn duy trì ở mức khá cao, hai sàn niêm yết hôm nay khớp thành công khoảng 17.399 tỷ đồng, nếu tính cả thỏa thuận thì tổng 3 sàn đạt 19.369 tỷ đồng. Giao dịch ở nhóm ngân hàng giảm tới gần 1.000 tỷ đồng so với hôm qua và các cổ phiếu ngoài nhóm này không có khả năng bù đắp được. Đây là điều cần lưu ý vì không phải 100% tiền rút khỏi cổ phiếu ngân hàng sẽ tìm đến các mã khác để “tất tay”.