Tất toán 80% bất động sản tại các tỉnh vào tháng 3/2022, chị Lê Thiện (Hà Nội) xác định đây là thời điểm để thu hồi vốn. Dù tính toán thời điểm thoát hàng trong tháng 2, tháng 3/2022 nhưng làn sóng trầm lắng của thị trường nhanh chóng lan nhanh vẫn khiến danh mục đầu tư của chị Lê Thiện “kẹt” 4 lô đất ở Thái Bình, Đăk Lăk, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, với chị Thiện, số lượng lô đất đang tồn không ảnh hưởng đến dòng tiền mặt mà chị đã thu về. Đến tháng 7/2022, chị Thiện tiếp tục thanh khoản căn nhà 3 tầng trong ngõ tại trung tâm Hà Nội với mức giá rao trên thị trường 3,4 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9/2022, chị Thiện chốt thành công căn nhà với giá 3,1 tỷ đồng. Mặc dù mức giá thu về không như dự kiến nhưng chị Thiện xác định, đây là thời điểm thu tiền để chuẩn bị cho kế hoạch “săn hàng” mới.
Nhà đầu tư này cũng vừa quyết định rao bán căn hộ chung cư tại Mỹ Đình với giá 3,1 tỷ đồng sau khi kết thúc hợp đồng cho thuê với khách hàng.
Theo kế hoạch, chị Thiện dự kiến sẽ tìm kiếm căn nhà phố nằm khu vực trung tâm Hà Nội để ở và cho làm văn phòng kinh doanh với mức tài chính khoảng 10 tỷ đồng. Chị Thiện dự tính trường hợp nếu không làm văn phòng kinh doanh, có thể cho thuê lại mặt tiền từ tầng 1 đến tầng 4. Gia đình chị sẽ sống từ tầng 5 đến tầng 6.
“Với ai có tiền mặt hiện tại đúng là vua. Tôi đi khảo sát thị trường, nhà phố có rất nhiều. Các căn thiết kế rất đẹp. Vị trí nằm ngay trên tuyến phố, đường rộng thoáng. Thời điểm này, chủ nhà còn giảm giá. Nếu đàm phán chồng tiền mặt ngay và luôn, họ còn giảm giá sâu tiếp”, chị Thiện cho biết.
Tương tự như chị Thiện, anh Phạm Cương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng trong tâm thế đi “săn hàng”. Thời điểm hiện tại, nhà đầu tư này đang thăm dò thị trường.
“Giá bất động sản như đất nền hay nhà liền thổ vẫn còn cao. Nhiều chủ đầu tư cũng đã giảm tới 100-200 triệu đồng khi cần tiền. Đây là giai đoạn đàm phán được giá tốt nếu tìm được sản phẩm ưng ý. Tôi mới thăm dò thị trường. Dự kiến từ tháng 2/2023, tôi nghĩ giá bất động sản còn giảm”.
Cũng theo anh Cương, thời điểm này, nhà đầu tư có sẵn tiền mặt sẽ sở hữu nhiều lợi thế. Thông thường phía ngân hàng đang khó giải ngân. Nên người muốn bán cũng gặp khó do lượng người mua giảm vì không thể sử dụng được đòn bẩy tài chính. Nhà đầu tư có tiền mặt có thể đàm phán thêm mức giá tốt khi chồng đủ tiền ngay trong ngày kí công chứng.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, lượng giao dịch mua – bán trên thị trường thứ cấp đã suy giảm từ tháng 3. Giá bất động sản trên thị trường sẽ có thể điều chỉnh trong các tháng cuối năm.
Một điểm đáng chú ý, ông Quang nhấn mạnh, sẽ có làn sóng dịch chuyển vốn, tái cấu trúc trong giới đầu tư bất động sản. Tiền mặt sẽ là vua khi thị trường điều chỉnh và nhiều người có nhu cầu muốn thanh khoản tài sản.
Cũng theo ông Quang, người giữ tiền mặt sẽ có cơ hội ép giá với tài sản cần bán gấp. Mức giá đàm phán giảm trong ngưỡng 20-30% và mức giá thị trường chấp nhận có thể giảm 15-20% so với giá chào.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giai đoạn tiền mặt là vua xuất hiện trên thị trường bất động sản kể từ thời điểm dòng vốn từ ngân hàng đang ngày càng thắt chặt. Nhu cầu về tiền đang gia tăng mạnh khi nhiều kênh đầu tư đang đóng băng.
Ở thời điểm hiện tại, không chỉ các doanh nghiệp đưa ra chính sách kích cầu, giảm giá mạnh để thu hồi tiền về mà ngay cả người ôm bất động sản đang gồng lãi tìm cách đẩy bất động sản "khát" tiền mặt. Cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt, giá cả hợp lý sẽ dành cho nhà đầu tư có tiền mặt. Thực tế đã chứng minh, trong thời kỳ nhiễu động, ai có tiền người đó sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng.