Văn hóa nổi tiếng nhất Trung Quốc bị đe dọa bởi khí hậu
Tháng 8 năm ngoái, một mùa hè nắng khắc nghiệt và hạn hán đã diễn ra ở phần lớn Trung Quốc.
Nhiệt độ cao và lượng mưa thấp đã làm hồ Bà Dương - nằm ở phía tây bắc tỉnh Giang Tây là hồ nước ngọt lớn nhất nước này - bị thu hẹp lại.
Ngay cả vùng tây nam Trung Quốc vốn nổi tiếng nhiều nước cũng phải đóng cửa các nhà máy thủy điện khi các đoạn sông Dương Tử cạn kiệt.
Ở tỉnh Chiết Giang, có thêm một nạn nhân phải chịu đựng cái nóng: chè. Hạn hán kéo dài đã khiến các chủ đồn điền chè gần đó tuyệt vọng. Họ bắt đầu bơm nước từ hồ chứa để giữ cho cây của họ sống sót, rút cạn dòng nước đến mức nguy hiểm và đẩy nhanh quá trình bốc hơi của lượng nước còn lại.
Năm ngoái, thời tiết khắc nghiệt đã tạo ra một vụ mùa thất bát hơn bình thường. Giờ đây, một số nông dân và chuyên gia đang đặt câu hỏi rằng, liệu nắng nóng và hạn hán có đe dọa sự thống trị của các vùng sản xuất chè truyền thống tại Trung Quốc, bao gồm Chiết Giang, hay không.
Li Xin - nhà khoa học trồng chè hàng đầu tại Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc - đã khảo sát các đồn điền chè trên khắp Trung Quốc. Ông nói rằng, hạn hán năm ngoái đã có tác động tàn phá đến chất lượng và sức khỏe của cây chè tại nước này. Hàng ngàn héc-ta chè đã chết khô.
Chen Chongmu - một nhà văn và chuyên gia lâu năm trong ngành chè - gọi vụ mùa năm nay là "cực kỳ kỳ lạ". Ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc, Chen và nhóm của ông đã mất hơn một tuần để có thể thu hoạch những loại chè họ cần, một công việc thường chỉ mất hai ngày trong những năm trước.
Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn nhất thế giới. Năm 2022, sản lượng chè đạt kỷ lục 3,35 triệu tấn, trong đó 375.000 tấn - trị giá khoảng 2,1 tỷ USD - được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, từ Mỹ đến Ghana.
Biến đổi khí hậu đang gây ra mối đe dọa hiện hữu cho mặt hàng xuất khẩu mang giá trị văn hóa nhất Trung Quốc này. Nhiệt độ tăng khiến cây chè tiết ra nhiều polyphenol hơn, dẫn đến chè đắng hơn, kém giá trị hơn. Mà các loại chè được sản xuất cách nhau vài mét đã có giá bán rất khác nhau, những vùng trồng chè nổi tiếng nhất Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ "tuyệt chủng" và đang dịch chuyển dần từ nam lên bắc và từ đông sang tây.
Weng Liwen - một chủ đồn điền chè ở Chiết Giang - cho biết, sản lượng chè năm nay thấp hơn đáng kể. Là nông dân có hơn 20 năm kinh nghiệm trồng chè, ông chưa bao giờ thấy thời tiết như thế này. "Ngay cả những người cao tuổi (dân làng) cũng gọi đây là sự kiện 'trăm năm có một'".
Trung Quốc tăng cường nhập khẩu chè Việt dù là nhà sản xuất số 1 thế giới
Trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm thì thị trường Trung Quốc lại đang trở thành điểm sáng của chè Việt. Theo số liệu từ Cục xuất nhập khẩu, trong năm 2022, Trung Quốc chi 17.997.785 USD để nhập khẩu chè từ Việt Nam với 10.354 tấn, tăng 15,58% về lượng và 27% về trị giá so với năm 2021. Trung Quốc là nhà nhập khẩu chè lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2022, chiếm 7,09% tỷ trọng xuất khẩu.
Bước sang năm 2023, xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh cả về khối lượng và giá trị trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 426 tấn chè từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, giá chè xuất khẩu tăng cao nên khối lượng chỉ tăng 121% nhưng giá trị tăng 411,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Bộ Công thương, việc mở cửa thị trường trở lại sau dịch Covid-19 là yếu tố chính khiến xuất khẩu chè sang thị trường tỉ dân tăng trưởng trong những tháng đầu năm nay. Bên cạnh đó là thời tiết cực đoan khiến việc trồng chè tại đây trở nên khó khăn.
Trung Quốc là nơi khai sinh ra trà và văn hóa uống trà. Nước này cũng chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ. Các thị trường xuất khẩu chè của Trung Quốc bao gồm châu Âu, châu Mỹ và châu Á và thu về khoảng 2 tỷ USD mỗi năm nhờ xuất khẩu.
Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng là quốc gia nhập khẩu chè của Việt Nam dù là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn trên thế giới.