CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG) vừa có công văn giải trình ý kiến của kiểm toán ngoại trừ trên BCTC kiểm toán năm 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023.
Cụ thể, trên BCTC hợp nhất và riêng lẻ kiểm toán năm 2022, kiểm toán cho rằng, tại ngày 31/12/2022, công ty đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền hơn 422 tỷ đồng và trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Tuy nhiên, công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế.
Với các tài liệu đang có, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt (Vietvalue) - đơn vị kiểm toán cho Đức Long Gia Lai cho rằng "không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để kết luận việc trích lập dự phòng của DLG có đầy đủ theo khả năng thu hồi thực tế hay không".
Giải trình về vấn đề này, Đức Long Gia Lai cho rằng công ty đã cho một số tổ chức và cá nhân vay theo đúng quy định. Tuy nhiên, công ty chưa đánh giá khả năng thu hồi theo thực tế dẫn đến kiểm toán ghi nhận ý kiến ngoại trừ trên BCTC năm 2022.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty làm việc với một số tổ chức và cá nhân đã vay với số tiền hơn 422 tỷ đồng để thực hiện đánh giá khả năng thu hồi của các khoản nợ trên và có biên bản làm việc về việc xác nhận công nợ và cam kết thống nhất lộ trình trả nợ.
"Đến thời điểm 15/8 (trước thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán soát xét), công ty đã thu hồi đủ số tiền nói trên nên BCTC soát xét bán niên năm 2023 không còn kết luận ngoại trừ bởi đơn vị kiểm toán”, Đức Long Gia Lai viết trong công văn giải trình.
Đối với ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC kiểm toán năm 2022 và BCTC soát xét bán niên 2023, công ty cho biết đã thực hiện giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC hợp nhất và riêng lẻ kiểm toán năm 2022 tại văn bản ngày 20/4 có xác nhận của đơn vị kiểm toán và giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ tại BCTC soát xét bán niên năm 2023 tại văn bản ngày 29/8.
Riêng những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục từ năm 2022 đến nay, công ty cho biết đang từng bước khắc phục những vấn đề tồn tại đảm bảo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hoạt động liên tục và ổn định, tăng trưởng và lợi nhuận sau thuế của 6 tháng đầu năm 2023 là hơn 34 tỷ đồng.
Trong năm 2023, sau khi có kết quả chứng thư thẩm định giá tài sản, Đức Long Gia Lai sẽ cung cấp bằng chứng thích hợp để xác định giá trị của các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh cho kiểm toán để khẳng định khoản vay của công ty được đảm bảo bằng tài sản, có khả năng trả nợ và hoạt động liên tục.
Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu DLG đã tăng trần lên mức 2.740 đồng/cp, trắng bên mua.
Đức Long Gia Lai vốn là một trong những tập đoàn lớn của tỉnh Gia Lai với tổng tài sản thời đỉnh cao lên gần 9.000 tỷ đồng. Doanh thu Công ty đến từ nhiều nguồn gồm bán gỗ, bán đá, bán nông sản, bán phân bón, thu phí BOT, bán linh kiện, môi giới bất động sản dịch vụ bến xe - xe buýt,… đến năng lượng tái tạo. Đáng chú ý, DLG liên tục "xoay trục”, mảng đem lại doanh thu chính liên tục thay đổi.
Trong những năm gần đây, lợi nhuận của Đức Long Gia Lai liên tục đi xuống. Công ty bắt đầu thua lỗ từ năm 2019. Đây là hệ quả của 10 năm đầu tư đa ngành, doanh thu xoay trục (đặc biệt giai đoạn 2016 – 2019) với đóng góp từ hơn 10 mảng khác nhau. Trong khi, hiệu suất sinh lời của DLG vào khoảng 4-5% trên tổng doanh thu và chỉ đạt 2% trên tổng tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
Tài sản DLG những năm gần đây cũng giảm sút mạnh. Tính đến thời điểm 30/6, tổng tài sản Công ty gần 5.702 tỷ (giảm gần 3.000 tỷ so với hồi năm 2020). Trong đó phần lớn nằm ở tài sản cố định ghi nhận 2.509 tỷ; các khoản phải thu ngắn và dài hạn hơn 2.348 tỷ đồng và chủ yếu là phải thu từ cho vay. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng trích lập dự phòng gần 1.363 tỷ đồng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi.
Ngược lại, DLG đang đi vay 2.945 tỷ đồng, chiếm 64% tổng nợ phải trả và gấp hơn 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Chi phí lãi vay phải trả trong nửa đầu năm là hơn 181 tỷ đồng.
Công ty này đang lỗ lũy kế 2.042 tỷ đồng. Vốn điều lệ gần 3.000 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.133 tỷ đồng .