Phát biểu khai mạc Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm "an cư mới lạc nghiệp" để nhấn mạnh vai trò của việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một trong những trụ cột của các chính sách an sinh xã hội. Đồng thời, đây còn là giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
Tháng 4/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Hiện tại, cơ quan quản lý đang dành một số cơ chế ưu đãi cho các dự án, chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội như được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội…
Thủ tướng đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Các bộ ngành, địa phương, ngân hàng, doanh nghiệp cùng tìm cách, cùng làm, người dân cũng cố gắng, đã làm được một số việc nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
"Cơ chế, chính sách đã đúng, trúng chưa. Nếu cơ chế, chính sách đã đúng, trúng rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân chủ quan, khách quan do đâu, cách tháo gỡ thế nào, mỗi chủ thể phải làm gì”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phát huy hết khả năng, trách nhiệm trong công việc.
"Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng cũng lấy ví dụ, doanh nghiệp đã làm thì phải có lãi, nhưng vấn đề là lãi ở mức nào vì nếu lãi nhiều thì người dân không mua được, lãi ít thì doanh nghiệp không vui.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đã giao chỉ tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tập trung làm; đặt bài toán này trong tổng thể của các nguồn lực; suy nghĩ xem có vận dụng được kinh nghiệm nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây vào phát triển nhà ở xã hội hiện nay hay không.
Theo báo cáo, trong giai đoạn 2021-2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252 ha so với năm 2020.
Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội diễn ra mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến nay mới có 30 dự án xây nhà ở xã hội có nhu cầu vay vốn và 3 ngân hàng đã giải ngân được số tiền gần 650 tỷ đồng, tức chưa được 1% giá trị gói tín dụng.