Sáng 13/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm nền kinh tế nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn.
Trong quý I, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng về sản phẩm gỗ giảm 50% cả về số lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.
Nhiều nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu
Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản, Thủ tướng nêu rõ còn nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại phức tạp; các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp như Mỹ, EU, Nhật Bản…; việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam...
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm.
"Cùng với đó, phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước...", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Đặc biệt chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
"Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong những thời điểm khó khăn hiện nay. Trong đó, Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội; xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, thúc đẩy chuyển đổi số.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ các vấn đề về thuế, trình cấp có thẩm quyền để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên - bao gồm thủy sản.
"Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ...", Thủ tướng yêu cầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022 xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay. Mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.