Theo Washington Post, các công ty ở Thung lũng Silicon đã sa thải hơn 20.000 nhân viên trong tuần qua, kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng và khiến ngành công nghệ rơi vào hỗn loạn.
Amazon, Twitter, Meta, nền tảng thanh toán Stripe, công ty dịch vụ phần mềm Salesforce, công ty gọi xe Lyft cùng một hàng dài các công ty khác đang nối tiếp danh sách sa thải nhân sự. Tình trạng này đồng nghĩa hàng chục nghìn kỹ sư, nhân viên bán hàng, hỗ trợ tại một trong những ngành công nghiệp quan trọng và được trả lương cao nhất rơi vào cảnh thất nghiệp.
“Động thái này khiến người ta liên tưởng đến vụ nổ bong bóng dot-com vào năm 2000. Họ tuyển dụng hàng loạt kỹ sư rồi đột nhiên bị dội một gáo nước lạnh vào mặt”, Lise Buyer, nhà phân tích công nghệ kiêm đầu tư lâu năm, cho biết.
Hầu hết công ty công nghệ lớn tại Mỹ đều phải cắt giảm nhân viên. Ảnh minh họa: Wired.
Không còn chỗ cho tiền rẻ, ưu tiên tăng trưởng hơn lợi nhuận
Các lãnh đạo điều hành đổ lỗi cho quá trình sa thải bằng nhiều lý do liên quan đến nhau. Nhìn chung hoạt động tuyển dụng quá mức trong thời kỳ đại dịch khiến quy mô nhân sự của công ty phình to khi thương mại điện tử chậm lại và mọi người dành ít thời gian trực tuyến hơn.
Bên cạnh đó, họ còn cảnh báo về một cuộc suy thoái tiềm ẩn trong nhiều tháng. Điều kiện làm việc dự kiến trở nên khắc nghiệt hơn và tốc độ tăng trưởng sẽ giảm đi đáng kể.
Với các công ty công nghệ non trẻ, lãi suất thấp đồng nghĩa dòng tiền đầu tư mạo hiểm được huy động một cách dễ dàng, ngay cả khi những người sáng lập chưa có kế hoạch kinh doanh chắc chắn.
Tương tự, các công ty công nghệ lớn tranh thủ xu hướng online của người dùng để mở rộng nhanh chóng. Điều này giúp giá cổ phiếu nhóm công nghệ được đẩy lên cao, tạo niềm tin và bức tranh cổ tức hào nhoáng cho nhân viên.
Việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mạnh tay nâng lãi suất để chống lạm phát buộc giới đầu tư mạo hiểm phải khắt khe hơn. Họ yêu cầu các công ty phải tập trung nhiều hơn vào lợi nhuận thay vì tăng trưởng.
Dòng tiền đắt đỏ, khó huy động cũng buộc các gã khổng lồ phải cắt giảm chi phí để cải thiện doanh thu.
Làn sóng sa thải xuất hiện chỉ một năm sau khi Thung lũng Silicon bước vào thời kỳ đỉnh cao, với việc định giá nhóm công ty Big Tech lên tới hàng nghìn tỷ USD. Mức lương cao kèm hiệu ứng từ cơn sốt tiền mã hóa giúp các nhà đầu tư và người lao động thu về lợi nhuận khổng lồ.
Đến nay, hàng chục nghìn lao động đang phải chật vật tìm kiếm việc làm.
“Chúng ta đang phải đối mặt với lạm phát dai dẳng, cú sốc năng lượng, lãi suất gia tăng, ngân sách đầu tư sụt giảm và nguồn vốn khởi nghiệp thưa thớt”, Patrick Collison, CEO Stripe, cho biết.
120.000 người mất việc làm
Trong 10 năm qua, các công ty Big Tech đã thống trị nền kinh tế Mỹ. Apple, Amazon, Google và Microsoft đều phá vỡ mốc định giá nghìn tỷ USD và trở thành những tập đoàn có giá trị nhất trong lịch sử hiện đại.
Dẫu vậy, các vết nứt vỡ đã dần hình thành. Người đứng đầu các công ty đã cảnh báo về nguy cơ cắt giảm việc làm. Mối lo ngại càng trở nên sâu sắc hơn khi báo cáo tài chính quý III cho thấy ngay cả những tập đoàn vững chắc nhất như Amazon hay Google cũng gặp khó khăn về tăng trưởng doanh thu.
Giá cổ phiếu của Facebook và Amazon đã giảm hơn 20% sau kết quả kinh doanh hàng quý gần nhất. Microsoft và Google, các công ty có giá trị vốn lớn thứ 3 và thứ 4 trên thế giới sau Apple và Saudi Aramco, cũng báo cáo tăng trưởng doanh thu chậm lại, cho thấy nhu cầu về quảng cáo kỹ thuật số và phần mềm đám mây suy yếu.
Văn phòng Meta tại New York. Ảnh: Bloomberg.
Tuần trước, Twitter dưới bàn tay của chủ sở hữu mới là Elon Musk đã sa thải khoảng một nửa trong số 7.500 nhân viên. Musk cũng tuyên bố công ty cần tìm nguồn doanh thu mới nếu muốn sống sót qua suy thoái kinh tế sắp tới.
Ông chủ Meta (công ty mẹ Facebook) Mark Zuckerberg cho biết suy thoái kinh tế vĩ mô là một trong những lý do công ty sa thải 11.000 lao động, tương đương 13% lực lượng nhân sự.
Theo công cụ theo dõi hoạt động nhân sự tại các công ty công nghệ layoffs.fyi, tổng số nhân viên bị sa thải vào năm 2022 đã lên tới 120.000 người.
Đợt cắt giảm tương phản với các chỉ số kinh tế quan trọng cho thấy bức tranh hỗn loạn của nền kinh tế. Lạm phát tháng 10 thấp hơn dự đoán của các nhà phân tích làm dấy lên hy vọng Fed giữ nguyên mức lãi suất hiện tại. Ngoài ra, Mỹ cũng tạo thêm 261.000 việc làm trong tháng 10.
Giới kinh tế học từ Goldman Sachs kỳ vọng tiền lương tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng vào năm 2023 trong khi giá nhà có thể giảm. Nhóm dự báo một cuộc “suy thoái nông” vào năm tới.
Dẫu vậy, tình trạng sa thải diện rộng ở Thung lũng Silicon sẽ có tác động ngày càng lớn.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, đến năm 2020, ngành công nghệ chiếm khoảng 10,2% GDP. Sự phát triển dường như vô tận của Amazon, Google, Microsoft, Facebook, Netflix, Tesla, Salesforce và những công ty khác giúp mở rộng tài khoản hưu trí của hàng triệu người Mỹ.
Tính đến tháng 3 năm nay, giá trị công ty công nghệ hiện chiếm gần 30% tổng giá trị của S&P 500.