Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch kinh tế chủ chốt của Tổng thống Joe Biden trong một cuộc họp bỏ phiếu gấp rút vào đêm ngày Chủ nhật (7/8) theo giờ địa phương. Đây được xem là một thắng lợi chính trị lớn của người đứng đầu Nhà Trắng chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Theo tờ Financial Times, dự luật với các nội dung trọng tâm về chống biến đổi khí hậu, thuế và y tế, với tên gọi chính thức Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act), đã được thông qua với tỷ lệ sát nút 51 phiếu thuận và 50 phiếu chống. Tất cả 50 nghị sỹ Dân chủ trong Thượng viện bỏ phiếu thuận cho dự luật này, và toàn bộ 50 nghị sỹ Cộng hoà bỏ phiếu chống. Thế bế tắc được phá vỡ bằng lá phiếu thuận của Phó tổng thống Kamala Harris, một người của Đảng Dân chủ.
Để chính thức trở thành luật, dự luật này vẫn cần được Hạ viện Mỹ thông qua và ông Biden đặt bút ký. Tuy nhiên, việc vượt qua “cửa ải” Thượng viện đánh dấu bước tiến quan trọng nhất trong số những thắng lợi mà ông Biden đạt được gần đây, khi Đảng Dân chủ của ông cố gắng để giành được đa số mong manh tại cả hai viện Quốc hội trong cuộc bầu cử vào tháng 11.
Trước đó, vào đầu mùa hè, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn một dự luật tăng cường hỗ trợ cho ngành sản xuất con chip ở Mỹ và một dự luật về kiểm soát súng đạn sau những vụ xả súng gây chết người ở Texas và New York.
Đạo luật Giảm lạm phát bao gồm một trong những kế hoạch chống biến đổi khí hậu quan trọng nhất từ trước đến nay của Mỹ, với 369 tỷ USD dự kiến được rót cho các chương trình về cải thiện khí hậu và phát triển năng lượng sạch. Dự luật cũng bao gồm các biện pháp cho phép Chính phủ Mỹ đàm phán để giảm giá thuốc kê đơn và một điều khoản về áp thuế suất tối thiểu 15% lên các công ty lớn và loại thuế mới với thuế suất 1% áp lên việc các công ty mua lại cổ phiếu.
Các nhóm doanh nghiệp Mỹ và Đảng Cộng hoà phản đối mạnh việc áp thuế tối thiểu 15%, cho rằng việc này sẽ cản trở đầu tư và gây hại cho các nhà xuất khẩu của Mỹ. Phần lớn nỗ lực của phe Cộng hoà để thay đổi dự luật đã thất bại, nhưng họ cũng giành một thắng lợi nhỏ là loại bỏ khỏi dự luật một điều khoản áp trần giá 35 USD đối với chất insulin. Dù vậy, trần giá này vẫn sẽ áp dụng đối với các bệnh nhân hưởng chương trình Medicare.
Trong một tuyên bố, ông Biden nói dự luật sẽ “mở đường để Chính phủ Mỹ hành động trở lại vì các gia đình lao động” thông qua cắt giảm chi phí thuốc kê đơn, bảo hiểm y tế và năng lượng, trong khi vẫn cắt giảm được thâm hụt ngân sách liên bang.
“Việc này đòi hỏi nhiều sự nhượng bộ. Làm những việc quan trọng gần như lúc nào cũng phải như vậy”, ông Biden nói.
Ông Chuck Schumer, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện, gọi dự luật trên là “một trong những thành tựu pháp lý mang tính định hình của thế kỷ 21”.
“Dự luật của chúng tôi sẽ làm giảm lạm phát, cắt giảm chi phí, tạo hàng triệu việc làm thu nhập tốt, và là kế hoạch chống biến đổi khí hậu quyết đoán nhất trong lịch sử Mỹ”, ông Schumer nói và cho biết thêm: “Dự luật này sẽ khởi động kỷ nguyên năng lượng sạch với giá cả phải chăng ở Mỹ. Đây là một nhân tố thay đổi cuộc chơi, là một bước ngoặt, và đã mất nhiều thời gian mới có được”.
Những người ủng hộ chống biến đổi khí hậu hoan nghênh việc phê chuẩn dự luật. “Thượng viện đã làm nên lịch sử trong việc chống biến đổi khí hậu. Đây là hành động quan trọng nhất từng có của Mỹ để chống lại sự biến đổi của khí hậu”, CEO Manish Bapna của Hội đồng Bảo vệ tài nguyên Quốc gia Mỹ (NRDC) phát biểu.
Một phân tích của công ty tư vấn năng lượng sạch Rhodium Group ước tính Đạo luật Giảm lạm phát có thể đưa Mỹ đến năm 2030 giảm 31-44% khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 2005, thay vì chỉ giảm được 24-35% nếu không có dự luật này.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết Hạ viện sẽ “hành động nhanh chóng” để thông qua dự luật và gửi tới Nhà Trắng để được Tổng thống phê chuẩn thành luật.