Kiểm soát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 156 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Mục đích xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai.
Giải quyết các vấn đề vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất. Tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. Thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai. Phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và tránh mâu thuẫn với các Luật có liên quan và trong nội tại các nguyên tắc này.
Đồng thời, đề nghị rà soát, quy định rõ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở để quy định các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần và các trường hợp cho thuê đất trả tiền hằng năm, trên cơ sở đó cụ thể hóa thành các quy định pháp luật.
Về chuyển mục đích sử dụng đất, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định rõ điều kiện cụ thể, làm cơ sở để xem xét, quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất một cách minh bạch, công bằng.
Đối với điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, các khu vực hạn chế tiếp cận có liên quan đến quốc phòng, an ninh (Điều 61), Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời cần có cơ chế và chế tài để kiểm soát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp này.
Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, trong đó, có các trường hợp điểm d, điểm g và điểm p khoản 1 Điều 64. Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định hình thức giao đất, cho thuê đất trong trường hợp chấp thuận nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất nhỏ hẹp.
Ngoài ra, đề nghị rà soát các quy định về các khoản thu tài chính từ đất đai, điều tiết nguồn thu từ đất. Đề nghị Chính phủ có lộ trình rà soát, tổng kết thi hành Luật Ngân sách nhà nước, luật về thuế sử dụng đất để báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung, bảo đảm thể chế hóa các yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi).
Giá đất và cơ chế tài chính về đất đai là vấn đề khó nhất
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao quá trình chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, công phu của cơ quan soạn thảo đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đây là sự nỗ lực rất lớn để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội đối với hoạt động của tất cả các tổ chức kinh tế và từng người dân.
"Đây là đạo luật giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai và có mối quan hệ, ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi chính sách" - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nói, đồng thời cho rằng, nếu giải quyết tốt các vấn đề của Luật Đất đai sẽ tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế xã hội và giải quyết được các nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng phức tạp trong khiếu nại, tố cáo hiện nay.
Để làm được điều đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật chỉ có cách làm thật kỹ lưỡng, thận trọng và đánh giá toàn diện các mặt khi xây dựng, ban hành.
Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, dự thảo luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Do đó, cần xem xét luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của luật.
Bà Nga cũng cho rằng, thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, do đó cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW để đảm bảo tính minh bạch.
Trong đó, lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là ví dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan, đánh giá năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; đánh giá năng lực kiến tạo phát triển; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.
Đây cũng là ví dụ sinh động nhất thể hiện chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng trong việc chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có sự cố gắng gấp bội mới đáp ứng yêu cầu. Đây là lần đầu thảo luận nhưng đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chuẩn bị công phu. Mặc dù đây là luật khó nhưng không có nghĩa không hoàn thành.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong quá trình sửa đổi luật, phải bám sát chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết. Qua ý kiến thẩm tra sơ bộ, vẫn còn một số chủ trương lớn tiếp tục cần thể chế hóa.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.
Đặc biệt, về vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là vấn đề khó nhất, quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.