Thời điểm thị trường bùng nổ, giới đầu tư công nghệ đã đổ hàng tỷ USD vào các startup canh tác rau xanh. Giờ đây, hiệu quả màn đặt cược đó đang suy yếu dần, theo Bloomberg. Cụ thể, Fifth Season, công ty canh tác rau xanh có trụ sở tại Pittsburgh vừa tuyên bố sắp ngừng hoạt động. Infarm, công ty nông nghiệp trong nhà có trụ sở tại Berlin từng được định giá hơn 1 tỷ USD, cũng vừa sa thải 500 nhân viên; trong khi startup trồng rau nhà kính AppHarvest chứng kiến cổ phiếu lao dốc hơn 90% kể từ mức đỉnh. Thiếu một lượng lớn tiền mặt, AppHarvest buộc phải bán một trang trại của mình để xoay vốn.
Plenty Unlimited, startup có trụ sở tại Nam San Francisco, vừa huy động được gần 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư, trong đó có Walmart và SoftBank. Arama Kukutai, Giám đốc điều hành hứa hẹn sẽ xây dựng thành công một trong những trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới, song nhấn mạnh việc vận hành công nghệ mới này vô cùng phức tạp và tốn kém. Được biết Plenty sẽ mở trang trại quy mô thương mại đầu tiên ở Compton, California vào năm tới, tức gần một thập kỷ sau khi được thành lập vào năm 2014.
“Chúng ta sẽ thấy nhiều công ty không thể tồn tại qua năm tới”, Kukutai nói.
Theo nhà nghiên cứu AgFunder, các công ty nông nghiệp mới đã huy động hơn 2,2 tỷ USD vào năm 2021, trong đó, hình thức canh tác thẳng đứng và trồng rau trong nhà kính thu hút được phần lớn vốn đầu tư.
Theo Bloomberg, các trang trại thẳng đứng sẽ được trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, tưới tiêu và cảm biến để theo dõi sức khỏe cây trồng, đồng thời điều chỉnh lượng nước cần thiết. Trong bối cảnh môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, những trang trại kiểu như vậy được kỳ vọng có thể giúp tiết kiệm không gian và tăng tính bền vững cho hệ sinh thái.
Nhiều startup lớn trong lĩnh vực nông nghiệp mới đã nhận được dòng vốn khủng hồi đầu năm, trong đó có Plenty với 400 triệu USD. Tuy nhiên, sự tàn lụi nhanh chóng của các công ty quy mô nhỏ hơn rất có thể sẽ là chỉ báo cho một tương lai khó khăn phía trước.
Theo Hans Tung, đối tác quản lý tại GGV, thách thức đối với các công ty nông nghiệp trong nhà là họ phải sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội, không chỉ về phần mềm mà còn về khoa học nông nghiệp và thiết kế trang trại. “Chỉ những người mạnh nhất mới có thể trụ lại. Không nhiều doanh nghiệp có thể làm điều đó đâu”, Hans Tung nói.
Được biết Infarm đang phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng tăng cao ở châu Âu, thậm chí phải thay đổi các chiến lược quan trọng để đạt lợi nhuận. Số nhân sự bị sa thải tới nay đã quá phân nửa.
Trong khi đó, AppHarvest, một startup cạn tiền mặt, vừa phải bán một đơn vị nông nghiệp cho nhà phân phối nông sản để xoay vốn. Fifth Season, công ty từng hứa sẽ trồng rau xà lách “trong một ngôi nhà hạnh phúc được tạo ra bởi robot và AI tiên tiến” thì vừa tuyên bố sẽ sớm dừng hoạt động.
Theo Henry Gordon-Smith, nhà sáng lập kiêm CEO Agritecture, một công ty công nghệ trang trại mới, các startup hoạt động trong lĩnh vực này phải kiểm soát mọi thứ, từ ánh sáng, hệ thống sưởi đến làm mát và tưới tiêu. Điều này khiến việc vận hành một trang trại công nghệ cao tiêu tốn chi phí hơn bình thường rất nhiều. Ngoài ra, nếu trang trại đó không đạt đủ quy mô tiêu chuẩn, nó sẽ rất khó huy động vốn.
Irving Fain, Giám đốc điều hành Bowery Farming, một công ty nông nghiệp thẳng đứng huy động được gần 500 triệu USD cho biết: “Chúng tôi luôn cần vốn đầu tư. Công ty có trụ sở tại New York này là một trong những công ty lớn nhất trong ngành và hiện cung cấp các sản phẩm rau xanh cho hơn 1.400 nhà bán lẻ”.
Gordon-Smith dự đoán suy thoái kinh tế sẽ mang lại nhiều kỳ vọng cho các trang trại thẳng đứng, nhất là khi ý tưởng canh tác trong nhà được cho là có thể cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu. Các công ty khởi nghiệp cũng sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận nhiều loại thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe, và vì vậy, có nhiều cơ sở để phát triển.
“Đối với tôi, trang trại thẳng đứng chính là mô hình nông nghiệp của tương lai. Nông nghiệp đô thị là canh tác ngay giữa lòng thành phố. Điều đặc biệt là trên một diện tích đất 30m2 chúng ta có thể trồng được sản lượng rau tương đương với mảnh đất có diện tích 13.000m2”, ông Edwin Arida, Giám đốc điều hành trang trại thẳng đứng cho biết.
Trang trại Emirates Crop One, vốn ra đời từ sự kết hợp giữa công ty Crop One Holdings (Mỹ) và Emirates Flight Catering (UAE), là minh chứng cho thấy trang trại thẳng đứng chính xác là giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết khủng hoảng diện tích đất trồng.
Với khả năng sản xuất hơn 900 tấn rau xanh mỗi năm, Emirates Crop One tiêu thụ lượng nước ít hơn tới 95% so với phương thức trồng trọt truyền thống và dự kiến cho sản lượng 3 tấn rau mỗi ngày. Các loại cây trồng trong trang trại này đều rất sạch, nói không với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay hóa chất.
“Sứ mệnh của chúng tôi là xây dựng một tương lai bền vững để đáp ứng nhu cầu về thực phẩm tươi. Cơ sở mới này đóng vai trò như một hình mẫu cho những gì sẽ khả thi trên khắp thế giới”, Craig Ratajczyk, Giám đốc điều hành Crop One, cho biết.
Theo: Bloomberg, Interesting Engineering