Theo Bloomberg, vào đầu tháng, 302.000 người đã tham dự giải đua Công thức 1 đầu tiên sau 3 năm, diễn ra ở Singapore. Một số bỏ 900 USD để mua chỗ ngồi trên khán đài, trả 10.000 USD cho phòng khách sạn hạng sang nhìn thẳng ra đường đua, hoặc tiêu tốn 70.000 USD đặt bàn ở các hộp đêm.
Singapore đã thắng lớn sau khi mở cửa trở lại, dù mây đen vẫn bao trùm hầu hết nền kinh tế trên toàn cầu. Người và tiền đang đổ về Singapore, đẩy giá xe, chi phí thuê và mua nhà lên mức kỷ lục.
Nhưng đó không phải tin tốt với tất cả. Chính phủ Singapore đang xem xét thị thực dài hạn để thu hút nhân tài. Nhưng họ phải ngăn chặn tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao đè nặng lên người dân địa phương.
Tiền đổ về Singapore
"Singapore đang phát đi tín hiệu rằng họ đã mở cửa trở lại, và tự định vị là một trong những trung tâm tài chính của thế giới", bà Stefanie Yuen Thio tại công ty luật TSMP Law bình luận.
Nhưng bà cảnh báo sự bùng nổ này là một "bong bóng", làm gia tăng chi phí của người dân địa phương.
Không còn gì nghi ngờ, Singapore đang hồi sinh ngay cả khi nhiều nước trên thế giới trượt tới bờ vực suy thoái. Người nước ngoài săn lùng những căn hộ triệu USD. Các nhà đầu tư, từ đại gia quỹ đầu cơ Ray Dalio đến tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani, đều mở văn phòng gia đình tại đảo quốc sư tử.
Singapore được các công ty nước ngoài coi là cửa ngõ quan trọng của khu vực châu Á. Ontario Teachers’ Pension Plan - một quỹ đầu tư tại Canada quản lý 177 tỷ USD - sẽ tăng cường hoạt động ở Frasers Tower. Số nhân viên tại Singapore tăng gấp đôi vào năm sau lên 50 người, vượt 35 nhân sự ở văn phòng tại Hong Kong.
Singapore đang phát đi tín hiệu rằng họ đã mở cửa trở lại, và tự định vị là một trong những trung tâm tài chính của thế giới
Bà Stefanie Yuen Thio tại công ty luật TSMP Law
"Singapore là một trung tâm tài chính sôi động với nhiều nhà đầu tư và cố vấn tài chính", CEO Jo Taylor cho biết. "Nếu muốn phát triển hoạt động tại Đông Nam Á và Australia, dĩ nhiên chúng tôi sẽ đặt trụ sở tại đây", ông nói thêm.
Ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore, đặt mục tiêu tạo ra 20.000 việc làm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính trong vòng 5 năm đến năm 2025, tăng khoảng 10% so với hiện tại.
Sự tăng trưởng của Singapore đi ngược với đà suy yếu trên toàn cầu, vốn có thể đẩy nhiều nền kinh tế lớn từ Mỹ đến Anh vào suy thoái trong năm sau.
Theo các dự báo được Bloomberg tổng hợp, Singapore sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong quý III với 3,9%. Tốc độ tăng trưởng dự kiến chậm lại 2,9% vào năm sau do việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đà tăng trưởng cũng song hành với một số vấn đề. Singapore đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân lực nước ngoài tồi tệ nhất trong hơn 10 năm. Số lượng thị thực lao động đã giảm 17% so với mức trước đại dịch vào tháng 12/2021, trước khi phục hồi trong tháng 6 năm nay.
Ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Tài chính Singapore. Ảnh: Bloomberg.
Nguyên nhân là người lao động nước ngoài về nước trong thời kỳ đại dịch. Thêm vào đó, cách đây 2 năm, Singapore cũng đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn đối với người lao động nước ngoài.
Tình trạng thiếu hụt đẩy tỷ lệ thất nghiệp tại Singapore xuống 2,1%, thấp hơn nhiều so với con số 3,5% tại Mỹ trong tháng 9.
Để xử lý, Bộ Nhân lực Singapore đã thay đổi các quy định về thị thực vào tháng 8, cho phép những lao động nước ngoài kiếm hơn 30.000 SGD (20.912 USD) mỗi tháng được đảm bảo về thị thực lao động trong 5 năm.
Tiêu chí về lương cũng không áp dụng cho những người làm việc trong lĩnh vực thể thao, nghệ thuật và giáo dục.
Trong khi đó, Singapore cũng đang cố gắng đảm bảo rằng người dân địa phương được trao cơ hội bình đẳng trong sự nghiệp. Việc thay đổi quy định về thị thực làm dấy lên câu hỏi về tác động đối với cư dân Singapore.
"Nhiều vị trí cấp cao dường như chỉ dành cho người nước ngoài", Marcus Kong, 27 tuổi, một chuyên viên tư vấn, chia sẻ.
"Lao động địa phương chỉ đảm nhận những vị trí cấp thấp hơn", anh nói thêm.
Áp lực với người địa phương
Sự tăng trưởng của Singapore thúc đẩy việc làm và lương, nhưng cũng kéo giá cả của mọi thứ, từ nhà đến xe hơi, tăng cao.
Người mua phải tiêu tốn 100.000 SGD chỉ để sở hữu giấy chứng nhận quyền mua xe (COE). Giá nhà đất cũng tăng cao, một phần do người giàu Trung Quốc săn đón biệt thự, căn hộ cao cấp ở Singapore.
Straits Times mới đây đưa tin ông Sean Shi, một trong 4 nhà sáng lập của Haidilao International Holding - chuỗi nhà hàng lẩu lớn nhất Trung Quốc, đã chi 50 triệu SGD (tương đương 35 triệu USD) để mua một căn bungalow hạng sang gần Vườn bách thảo Singapore.
Theo Bloomberg, các nhà sáng lập của Haidilao và thành viên gia đình đã mua ít nhất 3 dinh thự cấp cao tại Singapore.
Ngày càng nhiều người giàu Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước sau khi Bắc Kinh quyết liệt theo đuổi chiến dịch Zero-Covid, tức đưa số ca nhiễm mới về 0. Theo ước tính của công ty tư vấn Henley & Partners, khoảng 10.000 cư dân đang tìm cách chuyển tổng cộng 48 tỷ USD khỏi Trung Quốc trong năm nay.
Business Times đưa tin vào tháng 9, 3 căn bungalow hạng sang nằm dọc Nassim Road, con phố đắt đỏ nhất Singapore, đang được rao bán với mức giá cao kỷ lục. Giá mua và thuê nhà tại đảo quốc sư tử tiếp tục tăng mạnh trong quý III.
Bất chấp những thách thức, nhiều người Singapore vẫn phấn chấn khi Singapore được đánh giá là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và thứ 3 thế giới vào tháng 9, theo Global Financial Centres Index.
"Đó là cảm giác tự hào về đất nước. Hy vọng rằng điều này cũng tạo ra 'hiệu ứng nhỏ giọt' (trickle-down effect) với người Singapore", Darren Teo, một điều dưỡng 26 tuổi, chia sẻ.