Trên diễn đàn thảo luận ẩn danh nổi tiếng tại địa phương - DiscussHK - một người đàn ông giấu tên đăng bài xin lời khuyên: "Tôi vừa nhận được một 'quả bom đỏ' từ đồng nghiệp. Con trai của cô ấy sắp kết hôn và tôi nhận được một tấm thiệp mời. Nhưng chúng tôi chỉ toàn nói chuyện xã giao công việc".
Trong bài đăng của mình, người này cho biết thêm: “Cô ấy gửi thiệp mời tới toàn bộ công ty. Tôi không muốn đi và mất tiền cho ấy, nhưng tôi có nên tham dự vì phép lịch sự không. Người đồng nghiệp này rắc rối và thường nói xấu người khác sau lưng họ".
Theo thông tục, ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục, khách tham dự đám cưới sẽ tặng lại người mời một phong bì lì xì màu đỏ, bên trong chứa một khoản tiền mặt đáng kể.
Trên một bài đăng thuộc một trang web tại Hong Kong chuyên về nghi thức đám cưới, số tiền đựng trong bao lì xì thường phải tương đương với mức độ hoành tráng của khách sạn nơi diễn ra hôn lễ, cũng như mối quan hệ giữa chủ nhà và khách mời.
Trung bình, mức giá dao động từ 1.000 đến 3.000 HKD (128-384 USD).
Bài đăng ẩn danh tạo ra cuộc thảo luận sôi nổi, với cộng đồng mạng chia ra hai phe.
“Chỉ cần gửi mừng cưới 100 HKD là được", một người bình luận. Người khác cho rằng nếu đã là đồng nghiệp cùng làm một nơi, vẫn nên đến dự đám cưới và cho vào phong bì một số tiền vừa phải.
Tuy nhiên, đông người khác đưa ra lời khuyên người đàn ông nên mạnh dạn bỏ qua lời mời.
"Bạn nên nói thẳng với người đồng nghiệp rằng bạn sẽ không đi", trích một ý kiến. Một tài khoản khác nói rằng người đàn ông cứ ở nhà mà không cần báo lại vì "một đồng nghiệp mời cả công ty dự đám cưới thì khả năng cao là muốn lấy tiền mừng của bạn, thay vì thành ý mời đến chung vui".
Tháng 10 năm ngoái, một cô dâu Thanh Đảo, Trung Quốc, chi số tiền lớn để tổ chức đám cưới đắt tiền với nhiều vật dụng trang trí đắt tiền và gửi thiệp mời đến tất cả họ hàng, bạn bè của mình.
Thực đơn mừng cưới gồm nhiều món ngon như tôm càng cay, bít tết, thịt ba chỉ nướng, bò hầm, bò nguội, gỏi ba chỉ nguội, thịt viên thập cẩm. Tuy vậy, sau khi xong xuôi, không một vị khách nào có mặt. Các bàn tiệc đều trống trơn.
Cô dâu cảm thấy đau khổ vì bị người thân quen bỏ rơi. Tuy nhiên, nguyên nhân khiến đám cưới của cô bị tẩy chay sáng tỏ ngay sau đó.
Theo đó, cô gái này đã trải qua 6-7 lần tổ chức đám cưới, tất cả đều là kết hôn giả, với chú rể là một người đàn ông đóng thế được thuê về. Mục đích của cô là kiếm tiền từ phong bì mừng cưới của bạn bè, người thân. Đến lần thứ 8, khách khứa đều đã rõ chiêu thức "moi tiền" nên không ai đến dự.