Tại diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng: Từ hoạch định chính sách quốc gia đến hành động thực tế” diễn ra hôm 25/10, ông Đặng Hải Dũng – Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết vấn đề an ninh năng lượng, lạm phát tăng cao đã ảnh hưởng đến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam xác định tiết kiệm năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững và cần được coi như “nguồn năng lượng đầu tiên”, là nguồn năng lượng “kinh tế nhất”, “rẻ nhất” để tăng cường nguồn cung năng lượng; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hệ thống hành lang pháp lý nhiều nhưng chưa đồng bộ
Hiện Việt Nam đã có nhiều văn bản được ban hành như: Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015; Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/03/2019 về Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 -2030; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Đặc biệt, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ban hành năm 2010, sau Luật là một hệ thống các văn bản pháp luật như: Nghị định, Thông tư, Quyết định… liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hiện đã có trên 50 quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định các định mức tiêu hao năng lượng cho 26 loại sản phẩm là các thiết bị công nghiệp, gia dụng, phương tiện...
Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) cho biết Nghị định 102/2003/NĐ-CP về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là văn bản pháp lý quan trọng về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống ở cấp quốc gia. Đồng thời, đây là cũng dấu mốc đầu tiên để hình thành ngành công nghiệp về tiết kiệm năng lượng.
Mặc dù các văn bản pháp luật tuy nhiều nhưng theo ông Hiệp là chưa đồng bộ, do vậy Nghị quyết 55 yêu cầu phải sớm xây dựng chính sách đồng bộ với các chế tài cụ thể, nhằm đạt được các mục tiêu về tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.
Ông Đặng Hải Dũng nêu thực tế, Việt Nam đã phải nhập khẩu than cho sản xuất điện từ năm 2015, nhập khẩu điện từ Lào,Trung Quốc…. Bên cạnh đó, tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, các quốc gia cũng đã bắt đầu yêu cầu sản phẩm được nhập khẩu vào các thị trường này phải đảm bảo các tiêu chí về môi trường, giảm CO2 trên từng sản phẩm, phải sử dụng năng lượng sạch trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, trước các vấn đề về khủng hoảng năng lượng trên thế giới, yêu cầu đặt ra cho Việt Nam là làm sao để giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào năng lượng… để xuất khẩu được phải tuân thủ “luật chơi” của thị trường quốc tế.
Sửa luật theo hướng từ khuyến khích sang bắt buộc
Nói về thách thức của Việt Nam trong việc thực thi tiết kiệm năng lượng, ông Đặng Hải Dũng cho biết đó là nguồn nhân lực còn hạn chế, dù hiện đang có 52 quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng lại thiếu quy định đối với các loại hình này.
Mặc dù Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2010 (VNEEP 1) đã tiết kiệm được khoảng 4% và VNEEP 2 giai đoạn 2012 – 2015 tiết kiệm được trên 6% nhiều sản phẩm đã được dán nhãn, song theo ông Dũng kết quả này chưa xứng đáng với tiềm năng, do trong quá trình triển khai có nhiều vướng mắc mà yêu cầu phải sửa Luật nhất là vấn đề chế tài và quy định các đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện kiểm toán, nhiều bộ ngành chưa quan tâm đến công tác tiết kiệm năng lượng…
Do đó, khi sửa luật, các bộ, ngành liên quan phải tăng cường phân cấp, phân quyền; các cơ sở sử dụng năng lượng trong tất cả lĩnh vực phải thực thi đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn quy định của pháp luật về tiết kiệm năng lượng; Nguồn nhân lực thời gian đầu triển khai gần như không có, phải nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế…
Khuyến khích sử dụng năng lượng trong tất cả các lĩnh vực.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam là rất lớn, song do công nghệ còn thấp đòi hỏi cải thiện trọng tâm, có hướng dẫn cụ thể, nhất là nguồn kinh phí để thực hiện. Đây là bài toán khó Việt Nam cần lời giải. Theo TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực “Bài toán ở đây là nguồn nhân lực, thời điểm này nguồn nhân lực về tư vấn của chúng ta chưa tốt, cho nên công tác tư vấn và kết quả đạt được chưa cao khi áp dụng các giải pháp được tư vấn”.
Ông Nguyễn Đình Hiệp cho biết Luật đưa ra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm bắt buộc phải thực hiện, hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp chiếm khoảng 38% tổng năng lượng toàn xã hội còn lại là khuyến khích, sắp tới Luật sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng bắt buộc phải thực hiện (chiếm 75-80%) mức năng lượng của toàn xã hội. Bên cạnh đó, bổ sung thêm các sản phẩm phải dán nhãn năng lượng, tuy nhiên các sản phẩm dán nhãn càng nhiều sao chi phí lại càng đắt, nên cần có thời gian để người dân làm quen và điều chỉnh dần hành vi sử dụng các thiết bị điện và điện.
Bổ sung thêm, ông Dũng thông tin hiện chúng ta có 12 Quyết định của Thủ tướng, 26 Thông tư, trên 50 quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến 26 chủng loại sản phẩm, thiết bị… việc mở rộng sản phẩm dán nhãn là góp phần nâng cao công tác quản lý cũng như giúp cho công tác tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao hơn.
"Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát, sửa đổi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng tôi đã có những đề xuất để đưa cơ chế hỗ trợ về tiết kiệm năng lượng, trong đó có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong việc sửa đổi Luật cũng như thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm năng lượng để thúc đẩy đầu tư các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả", ông Dũng nhấn mạnh.
Nói thêm về giải pháp tiết kiệm năng lượng trong thời gian tới, TS.Kiên cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện cải tạo dây chuyền công nghệ, đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hướng tới sản xuất sạch, xanh.