"Bạn có cảm thấy mình giàu có?" là một trong những câu mà Schwab - một công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia - đã hỏi 1.000 người Mỹ trong cuộc khảo sát mới đây. Kết quả, 48% người trả lời rằng họ cảm thấy mình rất giàu hoặc hơi giàu có.
Tuy nhiên, nhận thức về thế nào là giàu có của mỗi người, ở từng thế hệ, lại khác nhau, Insider đưa tin.
Theo đó, 61% người được hỏi thuộc Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến 2012) và thế hệ Millennials (những người sinh từ năm 1980 đến 1996) nói rằng "có thể chi trả cho lối sống tương tự bạn bè khiến tôi cảm thấy giàu có".
Với thế hệ Baby Boomer (sinh năm 1946 đến 1964), con số này chỉ là 31%.
Tương tự, 54% Gen Z cho biết họ so sánh lối sống của mình với bạn bè và gia đình trên mạng xã hội. Chỉ số này giảm xuống 13% cho những người thuộc thế hệ Baby Boomer.
Hơn một nửa Gen Z (53%) và Millennials (51%) cho biết quan điểm của họ về sự giàu có bị ảnh hưởng bởi những gì mọi người đăng trên mạng xã hội.
"Cho dù đó là nỗi sợ bị bỏ lỡ hay mong muốn theo kịp, có nhiều yếu tố có thể khiến chúng ta áp lực khi chi tiền cho những thứ có thể không mang giá trị lâu dài," Rob Williams, giám đốc quản lý kế hoạch tài chính và quản lý tài sản tại Charles Schwab, cho biết trong một tuyên bố về kết quả khảo sát.
Dựa trên kết quả khảo sát, có thể thấy Gen Z và Millennials đang quan trọng việc phải "bằng bạn bằng bè", nhưng sự thật phía sau lại mang nhiều sắc thái ý nghĩa hơn.
Hai thế hệ này phải đối mặt với những thách thức tài chính khá cụ thể, đặc biệt là về nhà ở và nợ sinh viên. Người trẻ ở Mỹ có nhiều lý do để cảm thấy lo lắng về tiền bạc.
Những nỗi lo ấy có thể trở nên trầm trọng hơn khi họ phải xem quá nhiều mô tả hời hợt về sự thành công và giàu có đầy rẫy trên mạng xã hội. Một bức ảnh hào nhoáng trên Instagram hay video TikTok tràn ngập sự sang trọng đều có thể kích hoạt cảm giác ghen tỵ, thấy người khác giàu có hơn mình.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện khắp nước Mỹ, mức giá trị tài sản ròng (tài sản trừ đi nợ phải trả) 2,2 triệu USD được coi là dấu hiệu của sự giàu có đối với một cá nhân.
Một trong những phát hiện thú vị nhất từ cuộc khảo sát xuất hiện khi người tham gia được hỏi "câu nào mô tả đúng nhất cách bạn nghĩ về sự giàu có". Người trả lời phải chọn những ưu tiên của mình, giữa "nhiều tiền" hay "sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống".
Kết quả, đa số người được hỏi ở mọi lứa tuổi đặt việc có một cuộc sống vui vẻ, cân bằng và những mối quan hệ tuyệt vời lên trên việc tối đa hóa tiền bạc, tích lũy của cải vật chất để trở nên giàu có.
72% trong đó nói rằng "có một cuộc sống cá nhân viên mãn" tốt hơn so với "đầu tư hết sức cho công việc".
Tương tự, số người ưu tiên "không phải căng thẳng về tiền bạc" nhiều gấp đôi so với "có nhiều tiền hơn những người tôi quen".
Người ta cũng chọn "tận hưởng những mối quan hệ lành mạnh với gia đình và những người thân yêu" nhiều hơn "có nhiều tiền".
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra bị ám ảnh bởi những hình ảnh về kỳ nghỉ của bạn bè trên mạng xã hội có khả năng làm thay đổi cảm giác hạnh phúc về tiền bạc của một người.
Mặt khác, đặt điện thoại xuống để tận hưởng trải nghiệm và dành thời gian chất lượng cho những người thân yêu có thể khiến người ta thấy mình giàu có hơn.