Lúng túng trước định hướng tương lai, một số người trẻ tìm mentor để có người dẫn dắt, chỉ ra con đường đúng đắn. Ảnh: Pexels.
Ba năm trước, Thu Hiền bước vào năm hai đại học nhưng cô không hề có hứng thú với ngành mình đang theo học. Hiền bỏ tiết, đến lớp chỉ để ngủ và bị cấm 4-5 môn thi ở trường. Hiền muốn theo học tâm lý học, cô dự định bảo lưu việc học để trau dồi vốn tiếng Anh và nộp hồ sơ đi du học. Nhìn lại bản thân ở thời điểm đó, Hiền kể đó là một quyết định khá liều lĩnh và không khôn ngoan.
Vào giai đoạn lúng túng về tương lai, Hiền chủ động liên hệ với một người mà về sau cô gọi là "mentor".
Không phải giáo viên vì không giảng dạy. Không phải đồng nghiệp hay lãnh đạo vì đôi khi không làm việc cùng tổ chức. Thế nhưng, mentor là một khái niệm đang ngày càng phổ biến đối với những bạn trẻ loay hoay tìm lối ra cho sự nghiệp hay việc học tập của mình.
Không dễ để định nghĩa mentor trong tiếng Việt. Mentor có thể được hiểu là người hướng dẫn, dẫn dắt. Oxford Dictionary dịch mentor là "một người cố vấn có kinh nghiệm và đáng tin". Theo New York Times, việc có người hướng dẫn mang lại lợi thế rõ rệt cho nghề nghiệp. Một nghiên cứu trên Chuyên san Tâm lý học Ứng dụng nói rằng người có mentor có cơ hội thăng tiến cao hơn.
Cần người đồng hành ở bước đầu sự nghiệp
Trước đó, Hiền quen biết với mentor của mình tại một hội nghị. Cô kể điều cô thích nhất ở mentor là người này không cố gắng khuyên răn mentee phải làm gì. Thay vào đó, mentor đưa ra những câu hỏi, phân tích theo từng lựa chọn cụ thể để từ đó Thu Hiền tự đưa ra quyết định.
Thu Hiền xây dựng mối quan hệ mentor - mentee từ mối quan hệ cá nhân nên cô cũng dễ dàng chia sẻ những vấn đề cá nhân với mentor. Ảnh: NVCC.
Sau buổi nói chuyện với mentor, Hiền lựa chọn tiếp tục tập trung cho việc học và chờ đợi thời điểm chín muồi để theo học ngành Tâm lý học.
“Những lúc then chốt cần đưa ra quyết định, mình hay bị căng thẳng và suy nghĩ không rành mạch. Vì vậy, mình thường liên hệ với anh chị mentor để hẹn một buổi nói chuyện, chia sẻ tình hình cá nhân và đặt câu hỏi theo từng trường hợp”, Thu Hiền kể.
Hiện tại, Hiền đang theo học văn bằng hai ngành Tâm lý học. Trước đó, Hiền tham khảo ý kiến của mentor và bắt đầu xây dựng kế hoạch học tập, chuẩn bị tài chính, xem xét các chuyên ngành đào tạo.
Minh Tú (23 tuổi, TP.HCM) không quan tâm nhiều đến việc tìm mentor cho đến khi cô bắt đầu thực tập tại một tập đoàn đa quốc gia vào năm cuối đại học. Mặc dù có nền tảng kiến thức và kỹ năng mềm tốt, Tú đã bị sốc văn hóa trong hai tháng đầu tiên.
Tú nhớ lại: “Lúc đó mình lúng túng vì không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, kỹ năng quản lý công việc chưa tốt. Thực tập ở tập đoàn đa quốc gia nên mình phải tự học, cố gắng bắt kịp quy trình, tiêu chuẩn của công ty. Mình chới với vì lý thuyết học ở trường và thực tế hoàn toàn khác nhau”.
Gặp khó khăn trong những bước đầu của sự nghiệp là điều khiến Minh Tú quyết tâm tìm hiểu về mối quan hệ mentor - mentee và tìm một mentor để đồng hành trong công việc.
Mentor đầu tiên của Minh Tú là người bạn thân của bố Tú. Người mentor này hướng dẫn Tú cách trình bày CV và cách trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng. Tú cho hay, mentor còn dành thời gian xây dựng một buổi phỏng vấn mẫu để Tú thực hành, tìm hiểu vấn đề của bản thân và chuẩn bị tâm lý phỏng vấn. Thời điểm gặp vấn đề khi thực tập, Tú cũng nhận được lời khuyên và động viên từ mentor.
Mông lung trong sự nghiệp, Minh Tú quyết định tìm mentor - người có thể phác thảo bức tranh toàn cảnh về nghề nghiệp, chỉ cho cô biết vị trí năng lực và định hướng tương lai. Ảnh: NVCC.
Hai năm trước, Minh Tú tham gia vào một dự án phi lợi nhuận về mentoring và được kết nối với một mentor trong lĩnh vực nhân sự - công việc mà Tú theo đuổi. Chỉ có khoảng 4 giờ đồng hồ để trao đổi với mentor nhưng cô có thêm nhiều góc nhìn về ngành nhân sự, hình dung rõ hơn về hướng phát triển trong tương lai.
Ngoài ra, Tú cùng mentor của mình phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của cô và xác định bộ phận phù hợp khi làm việc trong ngành nhân sự.
New York Times nhận định việc mentor giúp ích cho mọi người, nhưng đặc biệt là phụ nữ trẻ. Một nghiên cứu năm 2015 của Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California, Bekerley, phụ nữ tìm được nhiều vốn xã hội hơn nhờ mối liên kết với các mentor có địa vị cao hơn.
Không phải giáo viên nhưng có nhiều điều để học hỏi
Thu Hiền (22 tuổi, Hà Nội) biết về mối quan hệ mentor và mentee (người hướng dẫn - người được hướng dẫn) khi cô vào đại học.
Thu Hiền cho rằng thứ mà cô học được nhiều nhất ở mentor là những trải nghiệm của họ. Đứng trước những vấn đề chưa biết giải quyết, Hiền tìm đến mentor, xin hướng dẫn, cách giải quyết hoặc lắng nghe trải nghiệm của mentor khi gặp những tình huống tương tự.
Học hỏi từ trải nghiệm của mentor, Hiền cho rằng bản thân sẽ hạn chế việc lặp lại sai lầm của người đi trước.
Hiền kể có mentor ngay từ giai đoạn học đại học, cô được trang bị những kỹ năng cần thiết. Trước đây, Hiền tự thấy mình là người khá thụ động và bị phê bình vì đặc điểm này. Sau khi hai mentor góp ý, cô dần chủ động giao tiếp, mạnh dạn trình bày những gì mình chưa hiểu để nhận được giải đáp.
Sếp trong công việc cũng chính là mentor của Minh Tú. Ảnh: NVCC.
Với Minh Tú, hai sếp trong công việc hiện tại cũng chính là mentor của cô. Từ một người từng phải tự mình “ném đá dò đường” trong những năm đầu tiên đi làm, Minh Tú học từ sếp từ cách viết email chỉn chu, cách nói chuyện, khai thác ứng cử viên hiệu quả hay cách làm việc, giao tiếp với đồng nghiệp. Tú cũng học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn như làm đề xuất lương, bản đồ nhân sự, kế hoạch cho sự kiện…
Bên cạnh kỹ năng, Minh Tú được mentor tích cực tạo cơ hội để mở rộng mối quan hệ với những người làm việc trong lĩnh vực nhân sự.
Tú cho rằng vai trò của mentor là chỉ ra điểm yếu và giúp mentee cải thiện điều ấy.
“Mentor của mình từng nói thẳng là mình giao tiếp với ứng viên rất tệ. Vì mỗi ứng viên ở những trình độ khác nhau, mỗi người có cách nói chuyện riêng. Mình lại là tay ngang làm việc ở mảng tuyển dụng, thời gian đầu mình hay bị ứng viên hỏi vặn lại”, cô kể.
Sau đó, mentor hướng dẫn Minh Tú khá nhiều mẹo để không bị lắp bắp, đỡ run và tự tin hơn khi trao đổi với ứng viên. Ngoài ra, không chỉ công việc, Tú còn thường có buổi nói chuyện riêng với mentor về những vấn đề cá nhân.