Ngọc Yến từng mông lung với những lựa chọn của mình. Ảnh: NVCC
*Mentor là người cố vấn, hướng dẫn và giúp đỡ người khác phát triển, tiến bộ trong một lĩnh vực nào đó.
Zing chia sẻ câu chuyện tìm người dẫn dắt của Ngọc Yến (29 tuổi), được cô rút ra từ những lần lựa chọn sai lầm trong công việc. Hiện, cô đang là một nhà sáng tạo nội dung.
Bội thực lời khuyên
Thế hệ 9X của tôi thường nghe theo định hướng của bố mẹ và các tác động của người đi trước, bạn bè, và cả những người xung quanh.
Trước đây, tôi học Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An. Với tôi, việc học Y khi đó chỉ là bố mẹ thích. Nhiều khi chán nản, việc học với tôi không mấy vui vẻ. Khi ấy, tôi nhận được nhiều khuyên từ những người đi trước.
Đa phần, họ đều chối bỏ cảm xúc đó của tôi và cho rằng: “Em đang lười biếng, không làm tốt việc của mình, cứ làm đi đã sau đấy mới có thành công được". Mọi thứ cứ tác động như vậy khiến tôi tiếp tục gồng mình, cố gắng để học tốt chuyên ngành đó.
Nhận nhiều lời khuyên khiến Ngọc Yến mông lung hơn trong công việc. Ảnh: NVCC.
Sau khi ra trường, tôi cũng tìm được công việc đúng ngành tại một bệnh viện. Làm được khoảng 4 năm, tôi bắt đầu cảm thấy chán nản bởi công việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Chỉ cần tôi nói đến sẽ nghỉ việc, bạn bè hay đồng nghiệp xung quanh cho rằng tôi sẽ khó tìm được một công việc tốt hơn. Họ nói thay vì nghỉ, hãy cố gắng làm tốt rồi sau này ổn định gia đình.
Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, nhiều người khác cũng đang trong trạng thái như vậy. Họ không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, cho nên việc bứt phá hay bỏ qua mọi định kiến xung quanh là điều rất khó với họ.
Nhưng tôi thì khác, tôi quyết định xin nghỉ việc và bước ra vùng an toàn dù chưa tìm được cho mình một hướng đi đúng. Tôi cho phép bản thân mình được sai.
Hai năm đầu, tôi nhận làm cho một công ty về nghệ thuật. Nó khá nhỏ nhưng cũng có sức hút ở thành phố nơi tôi sống. Vì làm có mục đích, tôi chấp nhận mức lương thấp, làm từ sáng đến đêm. Khi ấy, tôi được thử và tham gia với nhiều vị trí khác nhau.
Thời gian này, một người chị quản lý, cũng là người thầy, đưa ra cho tôi nhiều định hướng, kinh nghiệm. Tuy nhiên, những gì chị định hướng khi ấy là muốn tôi trở thành người có tiếng tăm, một nhà quản lý, lãnh đạo. Tôi không mấy vui vẻ vì điều này.
Tôi đang muốn đi theo con đường khác, chỉ là không đọc tên nó ra là gì. Khi bản thân đang mông lung, lại có người chỉ đường khác, họ chia sẻ cái gì, mình cũng muốn nghe và làm theo. Khi ấy, tôi không biết phải lựa chọn điều gì. Gắn bó được 2 năm, tôi cũng quyết định nghỉ.
Sau khi nghỉ ngang, tôi cũng trải qua nhiều công việc khác nhau. Thời điểm này, tôi bắt đầu tiếp xúc, biết đến nghề sáng tạo nội dung và quyết định gắn bó với nó.
Chủ động tìm kiếm người dẫn dắt
Tôi bắt đầu tham gia và tìm hiểu một số các khóa học làm content, phát triển bản thân, theo dõi những người đi trước.
Tôi bỏ một số tiền không nhỏ để tham gia nhiều khóa học với mong muốn tạo dựng cho mình một kiến thức nền tảng, chuyên môn vững chắc khi vào nghề. Mặt khác, tôi muốn tìm một người dẫn dắt phù hợp về tư duy, suy nghĩ và học hỏi con đường họ đi.
Tham gia các khóa học là cách mà Ngọc Yến tìm kiếm người dẫn dắt cho mình. Ảnh: NVCC.
Cuối cùng, sau nhiều đợt thử, đầu tháng 4/2021, tôi gặp được người dẫn dắt của mình thông qua một khóa học.
Cô ấy là người trực tiếp giảng dạy cho tôi kiến thức, chuyên môn. Ngoài ra, tôi được định hướng công việc theo sự mong muốn của bản thân thay vì bắt ép hay đi theo con đường mà người đó đặt ra.
Thời gian đó, tôi đi phỏng vấn thêm vài nơi làm việc. Sau mấy lần thất bại về việc nghe lời hứa của các sếp, mentor khuyên tôi về việc suy nghĩ kỹ về mục đích của bản thân, xem xét trên thực tế, liệu công việc đó có phù hợp hay không. Điều này cũng giúp tôi đi chậm lại và nhìn nhận lại những điều không phù hợp.
Mỗi khi có cảm giác chán nản, cô ấy sẽ chỉ đường lại, giúp tôi nhìn nhận lại vấn đề rõ ràng hơn. Đồng thời, mentor khuyến khích tôi phát triển tiềm năng, giá trị cốt lõi của bản thân.
Cô ấy giúp tôi khắc phục những khuyết điểm của bản thân. Chẳng hạn, tôi là người hay nói lan man, rất khó đi sâu vào vấn đề cụ thể. Tôi học được ở cô ấy tính tư duy logic, phân tích vấn đề một cách chi tiết.
Nhiều khi cô ấy đùa tôi rằng đi làm freelancer sẽ mệt lắm hoặc muốn ổn định hơn thì làm công việc khác, rồi làm công việc này phải giàu... Nhưng tôi hiểu rõ được con đường mình sẽ đi như thế nào. Bước chân vào nghề sáng tạo nội dung tính đến nay mới chỉ được một năm nhưng tôi hài lòng với sự lựa chọn này. Tôi coi những thất bại trước đây là bước tiền đề sau này để bản thân trưởng thành hơn.
Tôi quan điểm còn trẻ, còn sức lực thì hãy để cho bản thân được thử và chấp nhận sai. Nhiều người không dám thay đổi bởi họ sợ, dễ bỏ cuộc, rồi lại trở về với vòng luẩn quẩn.
Cách tôi lựa chọn mentor cho chính mình
Tôi đã rút ra được những bài học từ những lựa chọn trước đó, điều này có thể giúp đỡ cho ai đó cũng đang kiếm tìm mentor phù hợp.
Hiểu bản thân
24, 25 tuổi với tôi khi ấy là khoảng thời gian bước ra vùng an toàn, nên cái gì cũng thích và muốn khám phá. Tôi cũng rất dễ cuốn theo mọi thứ, rồi sau đó không biết mình đang làm gì.
Cho nên, với tôi, việc đầu tiên không phải loay hoay đi tìm câu hỏi "Tôi là ai, tôi làm gì và muốn gì" mà tập trung nhìn nhận lại bản thân.
Vì nếu bạn không biết bạn cần/muốn điều gì trong cuộc sống hay định hướng không rõ ràng, họ cũng khó có thể giúp bạn đi xa và nhanh hơn được.
Tự tin vào chính mình
Cái sai của tôi mấy năm về trước là không đủ tự tin vào bản thân. Tôi hay bị lung lay với những ý kiến của người khác. Tôi từng sợ ý kiến không ủng hộ nên đã chấp nhận con đường mà người khác lựa chọn cho mình một thời gian dài.
Đến bây giờ, khi đã có con đường rõ ràng hơn, tôi luôn có niềm tin lựa chọn của tôi là đúng. Nếu có sai, đó cũng là bài học để đi tiếp. Vượt qua được lần đầu, đến lần thứ hai, bạn sẽ cảm thấy nỗi sợ ấy nó nhỏ bé đến nhường nào.
Thử thách bản thân và lên kế hoạch cụ thể
Là bước cuối cùng để bạn biết bạn có thật sự muốn đi theo con đường đã chọn hay không. Bước này đánh đổi khá nhiều thứ như danh tiếng, tiền bạc, mối quan hệ...
- Hãy thử và tham gia vào các khóa học ngắn hạn, câu lạc bộ, hội nhóm, workshop... bất cứ hoạt động nào mà người đó có thể chia sẻ trực tiếp kinh nghiệm với bạn.
- Đủ tỉnh táo, chắt lọc kiến thức, xem ai mới là người phù hợp để bạn gửi gắm bản thân.
- Lên kế hoạch của bản thân, mentor sẽ là người giúp bạn đi đến đó nhanh hơn bằng cách đưa ra lời khuyên.
- Xác định được mục tiêu và tìm kiếm một công việc phù hợp.