Theo CNBC, nền kinh tế Mỹ đã phát đi tín hiệu rằng một cuộc suy thoái đang cận kề. Và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể mắc sai lầm khi tiếp tục cố gắng "ghìm cương" mọi thứ.
Theo chỉ số Leading Economics Indicators (LEI) của Conference Board, các điều kiện kinh tế của Mỹ đã xấu đi trong tháng 9. Chỉ số này lao dốc 0,4% so với tháng trước và 2,8% sau nửa năm.
"Chỉ số LEI của Mỹ tiếp tục lao dốc vào tháng 9. Đà giảm liên tục của chỉ số này trong những tháng qua cho thấy một cuộc suy thoái có thể xảy ra ngay trong năm nay", ông Ataman Ozyildirim - Giám đốc kinh tế cấp cao của Conference Board - bình luận.
Tín hiệu đáng ngại
Ông Ozyildrim cho rằng xu hướng giảm của chỉ số này là do lạm phát cao, thị trường việc làm suy yếu và điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đang gây áp lực lên nền kinh tế.
Chỉ số LEI thu hút sự chú ý trong bối cảnh Fed đang tìm cách vặn chặt đinh vít hơn nữa đối với đà tăng trưởng kinh tế, nhằm hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Khi chỉ số LEI báo hiệu những điểm yếu như hiện tại, Fed thường không tăng lãi suất. Nhưng trong trường hợp này, Fed không chỉ tăng lãi suất mạnh tay, mà còn cam kết sẽ tiếp tục một cách quyết liệt
Ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại SMBC Capital Markets
Ngân hàng trung ương Mỹ thường nới lỏng chính sách khi triển vọng kinh tế u ám hơn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, các quan chức Fed nhấn mạnh rằng họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới.
"Fed đã từ quá nới lỏng chuyển sang thắt chặt một cách vô trách nhiệm", ông Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại SMBC Capital Markets, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chỉ trích.
"Khi chỉ số LEI báo hiệu những điểm yếu như hiện tại, Fed thường không tăng lãi suất. Nhưng trong trường hợp này, Fed không chỉ tăng lãi suất mạnh tay, mà còn cam kết sẽ tiếp tục một cách quyết liệt", ông nói thêm.
Theo nghiên cứu của ông LaVorgna, trước đây, khi các chỉ số chính của LEI suy yếu, Fed luôn dừng tăng hoặc cắt giảm lãi suất. Kịch bản này đã xảy ra vào đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái vào đầu thế kỷ XXI.
Các mô hình dự báo mới đây của Bloomberg cũng chỉ ra khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới lên đến 100%.
Mô hình dự báo khả năng suy thoái trong vòng 11 tháng đạt 73%, tăng từ 30% của bản cập nhật trước đó. Trong khi đó, khả năng một cuộc suy thoái xảy ra vào 10 tháng tới cũng tăng từ 0% lên 25%.
Bài toán hóc búa
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Barry Sternlicht - Giám đốc điều hành Starwood Capital Group - cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ đối mặt với "những tai họa ngoài tưởng tượng nếu họ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất".
Ông cảnh báo những tai họa không chỉ giáng đòn lên nền kinh tế Mỹ, mà còn lan rộng trên toàn cầu.
Trong những ngày qua, CEO Goldman Sachs David Solomon, CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon và tỷ phú Jeff Bezos - nhà sáng lập Amazon - cũng đã bày tỏ lo ngại về một cuộc suy thoái đang rình rập.
Dù vậy, hôm 20/10, ông Patrick Harker - Chủ tịch Fed bang Philadelphia - tin rằng Fed vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi nới lỏng chính sách. Ông nhận thấy rằng cuộc chiến lạm phát "không có nhiều tiến bộ" và điều này rất đáng thất vọng.
Cho đến nay, các dữ liệu lạm phát hoàn toàn không đứng về phía Fed. Ngoài chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), chỉ số CPI giá cố định tháng 9 của Fed chi nhánh Cleveland đã tăng 8,5% so với năm ngoái. Hồi tháng 8, mức tăng là 7,7%.
Chỉ số này đo lường một rổ hàng hóa và dịch vụ có giá không thay đổi thường xuyên, chẳng hạn tiền thuê nhà và chi phí giải trí.
Theo Trading Economics, lạm phát cũng tăng rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ. Trong tháng 9, chi phí dịch vụ đã tăng 7,4% so với một năm trước đó, so với mức tăng 6,8% của tháng 8.
Xu hướng này xảy ra khi nhu cầu đối với dịch vụ phục hồi, sau khi nhu cầu hàng hóa đã tăng cao trong phần lớn thời kỳ dịch bệnh.