“Vui lòng thanh toán số tiền đặt hàng nhiệm vụ vào tài khoản ngân hàng được chỉ định và gửi cho tôi ảnh chụp màn hình chuyển tiền thành công” là tin nhắn mà chị T., bà mẹ đang mang thai sống tại Hà Nội, nhận được trước khi quyết định vay nóng 9 triệu đồng để gửi cho một người lạ qua mạng.
Người này sử dụng một tài khoản Telegram đặt tên “Giám đốc bán hàng”, với ảnh đại diện là logo của một sàn thương mại điện tử lớn, và tiếp cận chị T. để chào mời công việc cộng tác bán hàng có thể làm tại nhà với thù lao cao.
Sau khi chuyển 9 triệu mà vẫn không được nhận lại các khoản tiền đã cọc trước đó, cùng “hoa hồng” như đã được hứa hẹn, chị T. mới nghi ngờ đây là một chiêu trò lừa đảo chứ không phải việc làm thực sự.
Kịch bản “việc làm online”
Theo ghi nhận của Zing từ các nạn nhân, kịch bản thường gặp với chiêu trò lừa đảo này là kẻ xấu tiếp cận nạn nhân, giới thiệu công việc online theo đó nạn nhân chỉ cần bỏ một số tiền để “thực hiện nhiệm vụ”, sau đó sẽ được trả cả gốc và thêm lãi.
Ban đầu, các nhiệm vụ có thể đơn giản như tạo tài khoản trên một trang thương mại điện tử sau đó đặt đồ vào giỏ hàng, mua một món hàng giá trị thấp hoặc chuyển vài trăm nghìn đồng đến một tài khoản ngân hàng. Kẻ lừa đảo sẽ nhanh chóng trả lại khoản tiền cộng thêm “hoa hồng” để tạo niềm tin.
Nhưng không lâu sau đó sẽ là các yêu cầu với số tiền lớn hơn, chẳng hạn như chuyển hàng triệu hoặc chục triệu đồng. Lấy cớ “cộng tác viên” chậm thực hiện nhiệm vụ, do đó không đạt yêu cầu, kẻ xấu sẽ giữ số tiền này và tiếp tục yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền lớn hơn để được lấy toàn bộ tiền về.
Vòng lặp tiếp tục đến khi nạn nhân phát hiện mình bị lừa hoặc không còn khả năng chi trả. Khi đó kẻ xấu sẽ chặn toàn bộ liên lạc và biến mất. Kênh liên lạc thường là nền tảng gửi tin nhắn Telegram, có thể tự động xóa lịch sử và khó truy vết tài khoản.
“Mình đã bị lừa làm ‘cộng tác viên’ và mất hơn 200 triệu đồng”, chị Nguyễn Thảo, một nạn nhân khác là người kinh doanh sống tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, nói. Chị Thảo cho biết khi làm theo các yêu cầu của kẻ lừa đảo, ban đầu được trả tiền và hoa hồng nhanh, sau đó yêu cầu chuyển tiền lớn dần và thậm chí đã phải vay thêm của người thân để đáp ứng.
Với chị T., “nhiệm vụ” đầu tiên trị giá hơn 300.000 đồng, được trả tiền và hoa hồng ngay lập tức. Sau đó là yêu cầu gửi 2 triệu đồng, “Giám đốc bán hàng” nói rằng chị đã “hoàn thành nhiệm vụ chậm” và phải gửi thêm 9 triệu để làm nhiệm vụ kế tiếp nếu muốn lấy tiền về. Sau khi chị T. vay nóng để chuyển 9 triệu, kẻ xấu không trả tiền mà tiếp tục yêu cầu chuyển 30 triệu. Lúc này nạn nhân mới biết mình đã bị lừa.
Theo trang web Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, năm 2022 Trung tâm đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, trong đó phần lớn là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và “việc làm online” là một trong những hình thức lừa đảo chính.
Những nạn nhân của trò lừa đảo “việc làm online”
“Kẻ lừa đảo theo hình thức này nhắm vào những người trung niên, bà mẹ bỉm sữa hoặc học sinh, sinh viên muốn kiếm việc làm thêm, thường tiếp cận cá nhân qua Facebook, Zalo sau đó yêu cầu nạn nhân tải Telegram để liên lạc với ‘trưởng nhóm’, ‘thầy hướng dẫn’”, ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật từ dự án Chống lừa đảo cho biết. Số tiền thiệt hại với mỗi nạn nhân thường từ 30 triệu đồng, có thể lên đến hàng tỷ đồng.
Chuyên gia cho biết thêm người dùng mạng cần đề phòng khi người tiếp cận tự nhận có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử trên các nền tảng lớn, mời chào công việc dễ dàng nhưng thù lao cao. Sở dĩ chúng yêu cầu người dùng sử dụng Telegram để có thể xóa toàn bộ lịch sử từ cả 2 phía sau khi lừa đảo, không lưu lại bằng chứng, ông Hiếu cho biết thêm.
Cũng vì không lưu lại được bằng chứng và sợ người nhà phát hiện mà nạn nhân có tâm lý ngại trình báo, theo ông Hiếu. Tuy nhiên chuyên gia khuyến cáo nạn nhân vẫn nên trình báo cho dù ít hay không có bằng chứng lưu lại, có thể qua các trang web an toàn thông tin thay vì trình báo trực tiếp, vì có thể các thông tin giúp cơ quan chức năng phát hiện đường dây lừa đảo.
“Chúng thường nhắm ‘con mồi’ trước khi lừa đảo, thường là những người muốn có tiền nhanh, người chỉ có thể làm việc tại nhà muốn có thêm thu nhập như các bà mẹ”, anh Nguyễn Đình Khang, sống tại Hải Phòng, người lập nhóm cảnh báo lừa đảo trực tuyến với hơn 5.000 thành viên tham gia, cho biết.
Nhiều nạn nhân có tâm lý “của đi thay người” và nghĩ rằng không làm được gì nên không trình báo cơ quan chức năng, anh Khang nói thêm.
Đại diện Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), thuộc Cục An toàn Thông tin (ATTT), khuyến cáo người dùng mạng cảnh giác trước các đối tượng tự nhận là làm việc cho các trang “thương mại điện tử”, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng.
“Khi thực hiện nhiệm vụ mà phát hiện bên kia có dấu hiệu chần chừ trong việc thanh toán tiền thì cần dừng ngay việc mua hàng. Nếu tiếp tục làm theo yêu cầu, nạn nhân sẽ càng mất thêm nhiều tiền chứ không có chuyện được hoàn tiền và hoa hồng”, theo Cục ATTT.
Đại diện Cục ATTT nhấn mạnh rằng rất khó để lấy lại được tiền khi bị lừa đảo trực tuyến, do đó quan trọng nhất là người dùng mạng cần cảnh giác.
“Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng nick ảo và sim rác để nhắn tin, gọi điện. Vì chỉ trao đổi với nhau qua mạng với nạn nhân, nên các thông tin liên hệ cũng như nhân thân về các đối tượng này rất mơ hồ, không xác thực”, Cục ATTT cho biết.
Tuy nhiên, cơ quan này vẫn khuyến cáo người dùng mạng khi phát hiện lừa đảo cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an để trình báo kịp thời, có thể giúp hỗ trợ ngăn chặn hành vi lừa đảo.