Vào một buổi sáng cuối tuần, hàng chục nghìn vận động viên trượt tuyết đã tụ tập đến một resort ở quận Summit, bang Colorado, Mỹ để chuẩn bị cho giải đấu.
Chỉ vài phút sau khi cuộc đua bắt đầu, còi báo động hú inh ỏi ở trung tâm cứu hộ khẩn cấp 911. Mỗi còi hú từ mỗi cuộc gọi đến lại báo một sự cố nguy hiểm đến mạng người khác nhau như tai nạn ôtô, lên cơn đau tim…
Đúng 9h07, nhân viên trực điện thoại Eric Betts đã nhận được một cuộc gọi khẩn cấp như vậy. Từ bản đồ hiển thị trên màn hình, anh xác định thông báo khẩn đến từ một con dốc ở khu trượt tuyết Arapahoe Basin, bang Colorado. Betts đã ngay lập tức gọi lại và người bắt máy là một người đàn ông.
“Anh đang gặp tình trạng khẩn cấp đúng không ạ”, Betts hỏi. Nhưng người đàn ông nói rằng anh đang trượt tuyết rất an toàn và vui vẻ, chẳng có chuyện gì xảy ra cả. “Mà mấy ngày gần đây, chẳng hiểu smartwatch của tôi cứ liên tục tự gọi cho 911”, người đàn ông nọ nói thêm.
Apple Watch tự gọi cấp cứu dù người dùng vẫn an toàn
Hóa ra đây đều là những cuộc gọi nhầm từ tính năng cảnh báo tai nạn xe (Crash Detection) có trên Apple Watch và iPhone 14. Dịch vụ này hiểu nhầm chủ sở hữu gặp phải tình trạng nguy kịch đến sức khỏe trong khi thực tế họ chỉ đang trượt tuyết.
Tháng 9/2022, iPhone 14 và Apple Watch 2022 được ra mắt cùng với tính năng cảnh báo tai nạn xe, có thể nhận biết nếu người dùng gặp tai nạn xe nghiêm trọng để tự động gọi cấp cứu và các danh bạ khẩn cấp.
Tuy nhiên, tính năng này khiến người dùng gặp không ít rắc rối vì liên tục hiểu nhầm các vận động viên, người tập thể dục gặp tai nạn đụng xe.
Gần đây, nhiều trung tâm cứu hộ ở các khu trượt tuyết liên tục nhận được những cuộc gọi tự động như vậy, đôi khi số lượng lên đến hàng chục cuộc mỗi tuần. Các điều phối viên cứu hộ phải mất thêm thời gian để kiểm định liệu cuộc gọi này là tai nạn khẩn cấp thật sự hay chỉ là sai sót của thiết bị.
“Cả ngày tôi chỉ nhận được cuộc gọi báo tai nạn xe”, Trina Dummer, Giám đốc điều hành dịch vụ cứu hộ khẩn cấp ở bang Summit nói. Trung tâm cấp cấp này nhận được 185 cuộc gọi tương tự chỉ trong vòng một tuần từ ngày 13 đến ngày 22/1.
Dummer cho rằng các cuộc gọi nhầm này gây rối nhiệm vụ của nhân viên cứu hộ và ảnh hưởng đến những trường hợp khẩn cấp thật sự. “Apple nên tự mở một trung tâm cuộc gọi nếu muốn phát triển tính năng này”, Dummer nói.
Mark Watson, một cảnh sát tại sở cảnh sát quận, cho biết nhiệm vụ hàng ngày của anh thường là tuần tra ở những nơi hẻo lánh khu vực trượt tuyết. Nhưng các cuộc gọi nhầm của Crash Detection khiến anh không thể làm nhiệm vụ mà phải luôn túc trực tại bàn điện thoại.
Chỉ trong một ngày, Watson đã nhận được 9 cuộc gọi đến 911 nhưng 4 trong số đó đều không nhận được phản hồi và phải chuyển cho đội tuần tra trượt tuyết gần đó. Tổng số cuộc gọi từ Crash Detection trong ngày hôm đó của cả đội là 11 cuộc trong số 30 cuộc gọi đến.
Viên cảnh sát Watson còn nói anh đang viết tâm thư gửi đến Apple. “Tôi đang gặp khó khăn vì không thể làm việc một cách bình thường. Tôi chẳng rảnh đâu mà suốt ngày giải quyết các vấn đề của thiết bị Apple”, Watson viết trong lá thư.
Rắc rối ập đến vì dùng Apple Watch
Trước đó, Apple từng khẳng định đã cập nhật tính năng Crash Detection, “tối ưu hóa” công nghệ và giảm thiểu số cuộc gọi nhầm. Hãng công nghệ còn viện dẫn hàng loạt trường hợp người dùng được cứu sống nhờ tính năng nhận diện.
Đơn cử như Một tài xế ở Mỹ đã được được dịch vụ khẩn cấp cứu khỏi hiện trường vụ tai nạn nhờ chiếc Apple Watch. Chiếc xe của anh đã đâm vào cột điện thoại với tốc độ 273 km/h. Nhưng nhờ tính năng Crash Detection, đội cứu hộ đã kịp thời tới và giải cứu anh.
Một trường hợp hy hữu khác là hai người leo núi ở New Jersey rơi xuống vực khi cố leo qua một vách đá nhưng cuối cùng sống sót nhờ Apple Watch tự động gọi 911.
Song, ở bang Colorado, các điều phối viên cứu hộ gặp không ít khó khăn với tính năng này. Họ còn chưa bao giờ cứu thành công người chơi trượt tuyết nào nhờ Apple Watch. Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ rất ít khi nhận cuộc gọi khẩn cấp sai từ các hãng điện thoại Android khác, giám đốc Dummer cho biết.
Theo New York Times, vấn đề với Crash Detection không chỉ xảy ra khi đi trượt tuyết mà còn xuất hiện ở nhiều trường hợp khác. “Smartwatch của tôi cứ nghĩ tôi gặp phải tai nạn”, Stacey Torman, một huấn luyện viên môn lái xe trong nhà (spin class) nói.
Những lúc chiếc Apple Watch báo nguy hiểm là khi cô đang đạp xe, khởi động cùng học viên hay chỉ đơn giản là vẫy tay khích lệ học viên. “Chiếc đồng hồ cứ nghĩ tôi sắp chết đến nơi”, cô nói. Gần đây, cô đã bị ngã nặng trong lúc đuổi theo bắt xe bus giữa trời mưa nhưng chiếc Apple Watch lại chẳng báo nguy hay gọi cấp cứu.
Jon Baron, nhân viên bất động sản ở thành phố Golden, Colorado, cũng từng gặp rắc rối khi chiếc Apple Watch gọi cấp cứu 2 lần. Một lần là lúc anh đang chơi trò strongman, dùng búa đập vào một chiếc đòn bẩy mạnh đến mức tối đa để rung chuông là chiến thắng.
Nhưng chiếc smartwatch Baron đeo trên tay lúc đó lại hú còi inh ỏi báo hiệu nguy hiểm. “Tôi đang cố tỏ ra mình rất khỏe nhưng chiếc đồng hồ lại nghĩ ngược lại”, anh nhớ lại.
Một lần khác là khi Baron đang ở sân bay và đột nhiên bị loa phát thanh gọi đến phòng dịch vụ. Cuối cùng, anh mới phát hiện ra là do Apple Watch đột nhiên gọi cấp cứu 911 đến. Anh phải trấn an nhân viên cứu hộ rằng mình vẫn ổn và cần phải bay gấp.