Màn hình luôn bật (Always-On Display hay AOD) trên smartphone là một tính năng tiện dụng, cho phép người dùng xem thời gian và thông báo mà không cần mở khóa điện thoại. Do đó, ngày càng nhiều nhà sản xuất đưa tính năng này vào thiết bị của mình, kể cả dòng máy tầm trung, giá rẻ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Always-On Display tiêu tốn bao nhiêu pin, có ảnh hưởng rõ rệt đến thời gian sử dụng hay không.
Màn hình luôn bật là gì?
Always-On Display giúp hiển thị thông tin hữu ích trên màn hình điện thoại mọi lúc, ngay cả khi khóa máy hoặc ở chế độ ngủ. Bạn có thể xem thời gian, ngày tháng, thời tiết và thông báo mà không cần phải mở khóa điện thoại hoặc nhấn bất kỳ nút nào.
Điều này làm cho cuộc sống của bạn dễ dàng hơn, giúp tiết kiệm thời gian và tránh bỏ lỡ thông tin quan trọng.
Tính năng này hoạt động tốt trên điện thoại và các thiết bị khác có màn hình OLED - loại màn hình có thể điều khiển từng điểm ảnh riêng lẻ và bật tắt khi cần thiết.
AOD chỉ làm sáng các pixel cần thiết để hiển thị thông tin trong khi tắt phần còn lại và không cần cấp điện. Bằng cách đó, màn hình luôn bật có thể cung cấp những gì người dùng cần trong khi sử dụng ít pin hơn so với màn hình ở chế độ hoạt động đầy đủ.
Màn hình luôn bật tốn pin không?
Câu trả lời ngắn gọn là có. Màn hình luôn bật gây hao pin, nhưng mức độ có thể khác nhau tùy theo thiết bị, hệ điều hành và thậm chí cả cách sử dụng điện thoại.
Như đề cập trước đó, để hiển thị thông tin, điện thoại phải liên tục giữ cho một số điểm ảnh sáng lên. Điều này cần nguồn điện. Mặc dù mức tiêu thụ năng lượng đó thấp hơn đáng kể so với màn hình ở chế độ hoạt động đầy đủ, nó vẫn ngốn pin và giảm tổng thời gian hoạt động trong một lần sạc.
Trang web DXOMARK đã thực hiện một thử nghiệm đánh giá mức độ tiêu tốn pin của tính năng màn hình luôn bật. Bài kiểm tra dùng 4 smartphone của Apple, Google, Samsung và Xiaomi trong điều kiện chờ, tắt kết nối, bật chế độ máy bay và không sử dụng. Kết quả cho thấy khi bật AOD pin bị tiêu hao nhanh hơn khoảng 4 lần.
Nghiên cứu của DXOMARK cho thấy mức hao pin do AOD trên iPhone 14 Pro Max là thấp nhất mặc dù Apple giữ nhiều phần sáng trên màn hình. Google và Samsung tương đương nhau về tốc độ xả pin trên Pixel 7 Pro và Galaxy S22 Ultra, trong khi cả 2 chỉ làm sáng một số phần màn hình và giữ độ sáng tương đối thấp.
Cần lưu ý rằng nghiên cứu nói trên thực hiện trong điều kiện lý tưởng và điện thoại ở chế độ chờ (không sử dụng). Trên thực tế có thể khác. Khi đó, người dùng đặt máy trong túi xách, úp xuống mặt bàn... nhưng vẫn bật các kết nối. Cảm biến của máy sẽ hoạt động liên tục để xác định điều kiện môi trường xung quanh. Do đó, mức tiêu thụ pin có thể tăng đáng kể.
Điều tương tự cũng xảy ra với nhiều đồng hồ thông minh. Thiết bị chủ động làm mờ màn hình luôn bật khi phát hiện người dùng không nhìn vào để cải thiện thời lượng pin.
Nói chung, tính năng màn hình luôn bật sẽ ngốn pin nhưng mức độ có thể khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, nếu cảm thấy thời lượng pin điện thoại của mình hạn chế và cần kéo dài thời gian hoạt động hơn trong một lần sạc, bạn nên tắt AOD.
Cách tắt màn hình luôn bật
iPhone và các smartphone Android có AOD đều cho phép người dùng bật hoặc tắt tính năng này. Thao tác thực hiện có sự khác biệt nhất định tùy vào phiên bản hệ điều hành và nhà sản xuất.
Trên các dòng máy Android, người dùng có thể vào mục Settings, chuyển đến Display > Lock screen. Một số model có thể đưa Lock screen trực tiếp vào Settings. Kế tiếp, tìm tùy chọn bật/tắt tính năng Always show time and info hoặc tính năng có tên gọi tương tự với Always-On Display.
Với iPhone, để tắt AOD, người dùng truy cập Settings > Display & Brightness, cuộn trang xuống phía dưới và kéo nút bật/tắt ở mục Always on. Lưu ý rằng tính năng này chỉ có trên iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max.