Các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đều đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong đó, có hơn một nửa các ngân hàng kỳ vọng tổng tài sản sẽ tăng ít nhất 10%.
VPBank hiện có mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản lớn nhất, với 887,5 nghìn tỷ, tăng 39% so với năm 2022. Nếu kế hoạch diễn ra thuận lợi, VPBank sẽ trở thành ngân hàng thương mại tư nhân niêm yết có tổng tài sản lớn nhất.
VIB, HDBank và OCB đều đang kỳ vọng tài sản tăng trưởng 25%. Đây cũng là mức kỳ vọng tăng trưởng tài sản cao thứ hai ở thời điểm hiện tại.
NamABank chốt kế hoạch nâng tổng tài sản từ mức gần 178 nghìn tỷ lên 205 nghìn tỷ đồng trong năm nay, tương đương mức tăng 15,4%.
Đại hội cổ đông Eximbank cũng thì thông qua kế hoạch tăng 13,5% tổng tài sản lên 210 nghìn tỷ đồng. Một ngân hàng có mục tiêu tăng trưởng cũng khá cao là VietBank với kỳ vọng mức tăng 12%.
Tại Sacombank, ngân hàng này dự kiến tài sản sẽ được nâng từ gần 592 nghìn tỷ đồng lên 657,8 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11% so với cuối năm trước.
SHB cẩn trọng hơn các nhà băng khác khi đưa ra 2 kịch bản kinh doanh năm 2023. Trong điều kiện hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp là 14%, quy mô bảng cân đối kế toán sẽ được mở rộng 10,09%. Trong trường hợp hạn mức tăng trưởng dư nợ cho vay chỉ ở mức 10%, tổng tài sản được dự kiến tăng trưởng 8,93% trong năm nay.
ACB, SeABank và VietCapitalBank đều có chung một mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản là 10%. Theo đó, ACB dự kiến tổng tài sản năm 2023 sẽ đạt mức 668,7 nghìn tỷ; SeABank lên 255 nghìn tỷ; VietCapitalBank lên 86.600 tỷ đồng.
Trong các ông lớn big 4, chỉ có Vietcombank và VietinBank chốt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản. Trong đó, Vietcombank kỳ vọng quy mô tài sản sẽ được mở rộng 10% so với năm trước. Còn VietinBank dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 5-10%.
Một số ngân hàng khác trong hệ thống có kế hoạch tăng trưởng tài sản khiêm tốn, với mức tăng từ 5% đến dưới 10% như PGBank (8,3%); MSB (8%); BacABank (7,9%); VietABank (7%); TPBank (7%); Saigonbank (6%), NCB (5,18%) và ABBank (5%).