ACB: Lãi trước thuế đạt 17.021 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2021 và vượt kế hoạch cả năm (15.000 tỷ đồng). Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu ACB ở mức thấp 0,74%, giảm so với 0,78% cuối năm 2021 và là năm thứ 7 liên tiếp ở mức dưới 1%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 155%.
Techcombank: Lợi nhuận trên 1 tỷ USD, đạt 25.600 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2022 ở mức 0,9%, tăng so với năm 2021 nhưng vẫn nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 125%. Hệ số an toàn vốn (CAR) tăng lên mức 15,2%, gần gấp đôi so với yêu cầu của Basel II. Tỷ lệ CASA giảm xuống còn 37%.
Sacombank: Ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế đạt 6.339 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2021. Chất lượng tài sản được cải thiện mạnh mẽ, trong đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 1,47% xuống còn 0,98%.
VPBank: Do tăng mạnh trích lập dự phòng và chi phí hoạt động trong quý IV/2022, VPBank ghi nhận lợi nhuận quý này giảm 47% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1.382 tỷ đồng (trước thuế). Tuy nhiên, nhờ kết quả kinh doanh tích cực của những quý trước đó, cả năm 2022, lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt 21.219 tỷ đồng, tăng 47,7% so với năm 2021.
HDBank: Lợi nhuận trước thuế đạt 10.268 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay của nhà băng này, tăng 27% so với năm 2021 và hoàn thành 105% kế hoạch cổ đông giao. Các chỉ tiêu ROAE đạt 23,5%, ROAA đạt 2,1%, hệ số an toàn vốn CAR đạt hơn 13,4% - nằm trong top cao hàng đầu về an toàn vốn trong hệ thống.
Có 4 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm gồm: OCB, ABBank, NCB, Kienlongbank.
Đơn vị: Tỷ đồng, (*) Ước tính ngân hàng riêng lẻ
-----------
Trước Tết Nguyên đán, hàng loạt ngân hàng cũng đã công bố kết quả kinh doanh năm 2022.
Vietcombank được xác định là ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong năm qua, giữ vững vị trí "quán quân" 5 năm liên tiếp. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Vietcombank tăng 39% so với năm 2021, ước đạt trên 36.700 tỷ đồng.
2 ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank và BIDV cũng có kết quả kinh doanh khả quan, đều hoàn thành kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của VietinBank đạt khoảng 20.500 tỷ đồng. BIDV tăng trưởng ấn tượng (tới 71%), lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 23.200 tỷ đồng.
Hiện Eximbank là ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất, tăng gấp 3 lần năm 2021 và đạt 3.710 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh của Eximbank đều cho kết quả lãi khả quan, đồng thời ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng rủi ro (do đã trích lập cao trong những năm trước và tỷ lệ nợ xấu có chuyển biến tốt hơn).
Có thêm một ngân hàng gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ là VIB. Nhờ tập trung vào mảng bán lẻ nên ngân hàng có nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ trong năm vừa qua, từ đó báo lãi tăng 32%, đạt 10.581 tỷ đồng.
Trong khi đó ABBank và NCB tăng trưởng âm so với năm trước. Tại NCB, nhờ tăng trưởng mạnh từ thu nhập lãi thuần trong quý 4, NCB đã ghi nhận lãi trước thuế hơn 181 tỷ đồng trong quý, giúp ngân hàng thoát lỗ cả năm. Lãi trước thuế năm 2022 của NCB chỉ vỏn vẹn 1,2 tỷ đồng, so với 2,3 tỷ đồng của năm 2021.