Zing chia sẻ quan điểm về việc mua nhà của Liên Anh (Lifestyle blogger ở TP.HCM)
Ở thuê vì những lý do "bùi tai"
Hồi mới sống tại TP.HCM, tôi từng ở ghép mấy trăm nghìn đồng/tháng cùng bạn bè tại kí túc xá, phòng trọ nhỏ. Khi thu nhập dần tăng lên, đã có lúc tôi thuê căn hộ cao cấp dịch vụ "tận răng" với giá hàng chục triệu/tháng.
Khi đặt bút thuê căn hộ cao cấp, tôi cũng tìm đủ cách hợp lý hóa việc đi thuê nhà đắt đỏ. Các lý do thường khá “bùi tai” và rất hợp "trend" tài chính giới trẻ, là những lời khuyên được nhiều người thành công đưa ra như:
- Việc thuê nhà sẽ giúp bạn không bị hút cạn thu nhập vào một nguồn duy nhất
- Chủ động trong việc di chuyển nơi ở để gần chỗ làm
- Nâng cao chất lượng sống gấp đôi trong khi chi phí bỏ ra chỉ đủ mua trả góp căn nhà thiếu tiện nghi hơn rất nhiều
- Ở trong cộng đồng trí thức cao, thu nhập cao, hàng xóm ít phiền phức hơn
Khi đó, tôi đang ưu tiên những giá trị tức thời như nâng cao chất lượng sống, có nơi chốn phù hợp với công việc, chưa phải tính tới bài toán nghỉ hưu và tự do tài chính nên dễ “lạm phát lối sống” - tăng chi tiêu quá nhiều trong khi thu nhập không theo kịp.
Tôi từng bị lạm phát lối sống khi tốn tiền thuê những căn hộ đắt đỏ. Ảnh: NVCC.
Những quan điểm “bùi tai" mà tôi nêu trên vừa đúng vừa không đúng tuỳ theo bối cảnh. Trong thời điểm này, lãi ngân hàng đang lên cao, tiền vay thả nổi rất nặng nên việc ở nhà thuê rõ ràng là nhẹ nhàng hơn mua nhà.
Tuy nhiên, khi lãi suất ngân hàng tăng cao cũng là thời điểm thị trường bất động sản có nhiều lựa chọn giá tốt hơn cho người mua nhà để ở. Vì vậy nếu bạn có một số tiền down payment (tiền trả trước) vừa phải, cộng với thu nhập đủ ổn để trả tiền lãi ngắn hạn, thì việc mua nhà trong thời điểm này lại là lợi thế.
Hạn chế lớn nhất của việc đi thuê nhà là bạn phải kỷ luật trong việc xoay vòng nguồn tiền - tích lũy - tái đầu tư. Nếu bạn chỉ tích cóp để đó hoặc tích cóp để tiêu (mua xe, du lịch) chứ không tích cóp để tái đầu tư thì thực chất, bạn chỉ đang tiêu tiền cho những mục tiêu ngắn hạn, lạm phát lối sống chứ không thực sự tích lũy được gì cả.
Theo tôi, có 3 nhóm người mà việc mua nhà với họ là không cần thiết:
- Những người có tài chính rất vững vàng, có nhiều tài sản sẵn rồi, ở căn hộ dịch vụ để tiện chuyển đổi khi muốn
- Người luôn quay vòng nguồn tiền và lợi nhuận từ dòng tiền lớn hơn nhiều lần so với tiền thuê nhà một tháng.
- Người đang có các mối ưu tiên tức thời mà nếu mua nhà sẽ không đáp ứng ngay được như thuê.
Khi mua nhà, tôi nhận ra một lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý tài chính cá nhân của người trẻ là bỏ qua bức tranh tổng thể chung khi so sánh bản thân với ai đó thành công dù vẫn đi ở thuê.
- Chúng ta đi làm công ăn lương, họ làm chủ doanh nghiệp/start-up. Dòng tiền vốn dĩ hoàn toàn khác nhau.
- Chúng ta có 1-2 nguồn thu nhập chủ động, họ có ít nhất 1-2 nguồn thu nhập bị động
- Chúng ta với họ khi mất việc/mất nguồn thu nhập thì đều “về nhà”. Nhưng họ có thể về lại nhà khác trong cùng quận, cùng thành phố, còn ta là về lại vạch xuất phát là nhà bố mẹ ở quê.
Vì vậy theo tôi, những người bình thường với thu nhập bình thường, rất nên sớm có kế hoạch mua nhà.
Không đặt nhiều kỳ vọng vào căn nhà đầu tiên
Tôi thay đổi quan điểm về việc mua nhà khi tính đến việc sinh con và có thể sẽ chọn nghỉ việc ở nhà chăm con, cũng như tính toán việc nghỉ hưu và tự do tài chính cho bản thân. Mua nhà cho phép tôi có thể không làm ra tiền một vài tháng hay gặp thời gian biến động như dịch Covid-19 vừa rồi thì vẫn yên tâm mình có một nơi đảm bảo.
Tôi mua căn nhà hiện tại khi dự án ra mắt. Đầu tiên, tôi xác định túi tiền của mình phù hợp ở khu vực nào, sau đó rà soát các dự án có đủ giấy tờ hợp pháp. Dù hoàn toàn có thể tự mua nhưng tôi vẫn chọn một người môi giới để được tư vấn giữa các căn vị trí khác nhau, diện tích khác nhau.
Điều này rất quan trọng vì trong lúc đó, có thể tôi chỉ nhìn thấy mặt này mà bỏ quên mặt khác. Những người có kinh nghiệm sẽ giúp tôi có thêm góc nhìn thật khách quan.
Nhờ người môi giới mà tôi chỉ mua căn vừa phải cho dù muốn mua căn to hơn. Sau này, tôi mới thấy căn này rất hợp lý vì dễ mua bán và công năng sử dụng linh động. Tôi chọn mua không vay ngân hàng, có dự trù 50% giá trị căn hộ và vay người thân số còn lại. Tuy nhiên, trong quá trình mua, tôi đã tự xoay sở đủ để không phải vay thêm.
Tôi tiết kiệm bằng cách đưa hết tiền kiếm được vào trả tiền nhà và tái đầu tư. Còn lại, chi phí sinh hoạt gói ghém trong tiền lời của một vài khoản đầu tư có sẵn. Trong giai đoạn Covid-19 khó khăn, tôi cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Bù lại, tôi không đi du lịch, không mua sắm tràn lan và nhất là tập trung vào tìm ra các lỗ hổng chi tiêu để khắc phục, từ đó để ra được nhiều tiền hơn cả những năm kiếm tiền dễ dàng trước đó.
Theo tôi, đừng nên kỳ vọng quá nhiều và quá cao vào căn nhà đầu tiên. Căn nhà đó nên vừa phải, dễ trao đổi, mua bán, cho thuê lại. Ai cũng nghĩ sẽ gắn bó với căn nhà mình mua, nhưng thực tế cuộc sống phát triển thì nhu cầu và căn nhà sẽ thay đổi. Nếu bạn đầu tư quá sức, bạn sẽ nhanh bị đuối và khi bán có thể sẽ không đủ tiền bù cho giá trị căn nhà.
Tôi vẫn ủng hộ việc vay nợ để mua nhà. Tôi suy nghĩ cùng là “mắc nợ” một khoản tiền trong một tháng, nhưng một bên thì bạn mắc nợ nhà riêng của bạn, không ai đuổi bạn đi được; một bên là mắc nợ chủ nhà, người sẵn sàng mời bạn đi ngay.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên mua nhà khi có tiền trả trước 50-70% giá trị dự án. Bạn cũng cần có nhiều hơn một nguồn thu nhập đủ để trả tiền lãi hàng tháng để nếu có mất việc vẫn đủ khả năng trả nợ. Ngoài ra, bạn cũng chỉ nên nợ từ 5 năm đến 7 năm là vừa đủ. Tiền vay quá nhiều trong thời gian quá lâu, lãi cộng lạm phát khiến bạn phải trả gấp rưỡi cho căn hộ ban đầu.
Đây là những điều mà việc mua nhà đã dạy tôi:
- Phải có kế hoạch tài chính dài hạn
- Dự trữ thanh khoản nhanh
- Đa dạng thu nhập dù chỉ từ mấy triệu tới mấy trăm triệu, có quỹ đầu tư thụ động rút tiền linh động.
- Không “lạm phát lối sống”
- Nên có bảo hiểm phòng những trường hợp bất trắc.