Tổng cục Thuế nêu rõ mục đích của quy trình nhằm tăng cường công tác kiểm tra thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế trên cơ sở áp dụng cơ chế quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin vào kiểm tra thuế nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế, chống thất thu thuế.
Đồng thời, quy trình này cũng nhằm nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện quy định pháp luật về thuế; thực hiện cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Phạm vi áp dụng kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế và trụ sở người nộp thuế
Cũng theo Tổng cục Thuế, công tác cập nhật dữ liệu, thông tin vào các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ, liên tục cập nhật dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra thuế.
Theo đó, bộ phận kiểm tra thuế, công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế và bộ phận có liên quan theo phân công, phân nhiệm thực hiện cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin, dữ liệu của người nộp thuế vào các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác kiểm tra.
Về phạm vi áp dụng, quy trình này quy định về trình tự, thủ tục thực hiện công việc kiểm tra thuế của cơ quan thuế, công chức thuế trong các trường hợp.
Thứ nhất, kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở cơ quan thuế.
Thứ hai, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế trong các trường hợp như: (i) kiểm tra theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 71 Thông tư số 80/2021/TT-BTC; (ii) kiểm tra với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua công tác quản lý thuế theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 110 Luật quản lý thuế và các quy định pháp luật khác.
Bên cạnh đó là (iii) kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các trường hợp: hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước theo quy định; (iv) kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề do Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên quyết định; kiểm tra chuyên đề phát sinh trong năm do Thủ trưởng cơ quan thuế cùng cấp quyết định (còn gọi là kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề);
Cùng với đó là (v) kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền; (vi) kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với người nộp thuế chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Về đối tượng áp dụng, quy trình này áp dụng cho Thủ trưởng cơ quan thuế, bộ phận được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế, đoàn kiểm tra thuế theo quyết định của người có thẩm quyền, công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế thuộc cơ quan thuế các cấp.
Kiểm tra với trường hợp giám sát trọng điểm
Tổng cục Thuế cũng nêu rõ trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Theo đó, trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế phải thực hiện đúng nội dung, không quá thời hạn ghi trong Quyết định kiểm tra thuế.
Căn cứ phân công công việc của trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra phải thực hiện các công việc theo phân công của trưởng đoàn kiểm tra; được quyền yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra thuế không có trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế; thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung đã phân tích, đánh giá rủi ro và các nội dung thuộc phạm vi uyết định kiểm tra với các hồ sơ tài liệu thu thập khi kiểm tra.
Đặc biệt, Quyết định số 970 cũng quy định cụ thể việc kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế.
Theo đó, khi kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với trường hợp giám sát trọng điểm theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tổ kiểm tra thực hiện thu thập thông tin, tài liệu, số liệu của người nộp thuế trên hệ thống thông tin ngành thuế như: tài liệu, hồ sơ về đăng ký, kê khai, nộp thuế, báo cáo sử dụng hóa đơn, báo cáo tài chính, thông tin thu thập từ bên thứ ba...
Cùng với đó, kết hợp với công tác quản lý thuế trực tiếp trên địa bàn, để thực hiện phân tích chuyên sâu đối với người nộp thuế thuộc danh sách giám sát trọng điểm.
Trên cơ sở báo cáo tài chính được khai thác trên ứng dụng báo cáo tài chính hoặc các ứng dụng tra cứu báo cáo tài chính, công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế đánh giá, phân tích dựa trên mức độ biến động của các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính theo quy định về chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành.
Qua phân tích các chỉ tiêu biến động để xác định mức độ rủi ro người nộp thuế.
"Đối chiếu các chỉ tiêu trên báo cáo tài chính với các chỉ tiêu trên các tờ khai thuế của cả năm, tờ khai quyết toán thuế để so sánh, đánh giá một số chỉ tiêu như: doanh thu, chi phí, lợi nhuận để phát hiện mức độ rủi ro về thuế", Quyết định số 970 nêu rõ.
Kết quả phân tích chuyên sâu để xác định cụ thể nội dung, mức độ rủi ro liên quan đến nội dung giám sát trọng điểm để tập trung kiểm tra.
Về tổ chức thực hiện, Tổng cục Thuế giao Cục Thanh tra - Kiểm tra thuế chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện Quy trình này. Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm chuẩn bị cơ sở hạ tầng tin học để đáp ứng thực hiện quy trình.