Tổng cục Thuế vừa ban hành Công điện số 04/CĐ-TCT chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các đơn vị thuộc trực thuộc Tổng cục Thuế thực hiện áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước theo quy định tại Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ.
Theo Tổng cục Thuế, ngày 28/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước (Nghị định số 41).
Theo đó, tại Điều 1 Nghị định số 41 nêu trên quy định từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; các nghị quyết hiện hành của hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Để triển khai nghị định, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn; đồng thời, chỉ đạo các chi cục thuế kịp thời triển khai thực hiện áp dụng mức thu lệ phí trước bạ theo quy định tại Nghị định số 41 nêu trên để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Trước đó, theo ghi nhận, trong thời gian áp dụng chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước giai đoạn năm 2020-2022, lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh bùng phát được tiêu thụ, góp phần tăng dung lượng thị trường, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, ổn định việc làm cho người lao động.
Từ đó, doanh nghiệp đóng góp thêm nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể, trong giai đoạn hỗ trợ giảm lệ phí trước bạ từ tháng 7-12/2020, số lượng xe bán ra tăng 77% so với 6 tháng đầu năm khi chưa áp dụng chính sách này.
Đến giai đoạn áp dụng giảm lệ phí trước bạ 6 tháng từ tháng 12/2021 - tháng 5/2022, số lượng xe bán ra đều tăng trung bình từ 10 - 20% so với những tháng trước khi có hỗ trợ và sau khi kết thúc hỗ trợ. Tổng doanh số bán xe toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, với chính sách ưu đãi giảm lệ phí trước bạ được áp dụng, số lượng xe bán ra là 122.200 xe.
Dù qua 5 tháng đầu năm 2023 đã đi qua nhưng số lượng xe bán ra chỉ ở mức 20.726 xe, giảm 8% so với tháng 4 trước đó và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2022, thấp nhất trong 4 năm gần đây. Đến hết tháng 5/2023, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đã giảm 43%, trong khi xe nhập khẩu giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này cho thấy sự khó khăn ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt, trong khi ngành này đang đóng góp một phần đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, số thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2020 tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2020.
Đặc biệt, tổng thu thuế VAT và tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2020 đạt 25.167 tỷ đồng, tăng khoảng 12.496 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2020.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng, khi so sánh số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện chính giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vào giai đoạn hiện nay, việc tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT sẽ có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ, do sức mua và tiêu dùng được đánh giá là khác so với bối cảnh trong giai đoạn năm 2020 - 2022, nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn.