Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27/12 vừa ký sắc lệnh đáp trả giá trần dầu của phương Tây đối với dầu của Nga. Theo đó, Nga cấm bán dầu thô và các sản phẩm dầu cho những quốc gia áp đặt giá trần.
Một sắc lệnh mơ hồ?
Theo Wall Street Journal, động thái của Nga nhằm chống lại kế hoạch của Mỹ và các đồng minh đưa ra với biện pháp áp đặt giá trần đối với dầu Nga, trong đó cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển, tài chính và bảo hiểm đối với các lô dầu Nga trên biển có giá vượt mức trần 60 USD/thùng.
Sắc lệnh của ông Putin nêu rõ, Nga cấm xuất khẩu dầu và sản phẩm dầu theo các hợp đồng “trực tiếp hoặc gián tiếp quy định việc áp dụng cơ chế giá trần” trong khoảng thời gian từ ngày 1/2-1/7/2023. Sắc lệnh cũng cho biết ông Putin có thể đưa ra các miễn trừ cho việc bán dầu theo giá trần nếu ông muốn.
Theo các nhà phân tích, cách điện Kremlin nhìn nhận các hợp đồng dầu mỏ - và cách đưa ra các miễn trừ - sẽ quyết định mức độ gián đoạn mà sắc lệnh trên gây ra với thị trường năng lượng toàn cầu.
Hiện tại, dầu thô xuất khẩu của Nga đang được bán với giá dưới mức trần 60 USD, chủ yếu cho các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước chưa đồng ý tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Nguồn tin thân cận của Wall Street Journal cho biết, nhiều lô hàng trong số này được thực hiện với các dịch vụ vận chuyển, tài chính và bảo hiểm từ các quốc gia không áp đặt trừng phạt với dầu Nga.
Nếu Moscow quyết định hạn chế xuất khẩu dầu cho những quốc gia ngoài phương Tây, việc này có thể làm giảm nguồn cung dầu toàn cầu và đẩy giá dầu lên cao. Còn nếu hạn chế chỉ nhắm vào các quốc gia phương Tây đang áp đặt giá trần, tác động được dự báo sẽ ít hơn nhiều bởi hiện tại hầu hết các nước này đã cấm nhập khẩu dầu Nga.
“Xung đột năng lượng diễn ra đồng thời với chiến tranh đã góp phần gây ra những bất ổn chưa từng có đối với nguồn cung và dẫn đến sự biến động trên thị trường dầu mỏ”.
Paul Sheldon, nhà phân tích rủi ro tại S&P Global Commodity Insights
“Nói chung, đây là dấu hiệu cho thấy Nga đang ở tình thế dễ bị tổn thương, cần nguồn thu từ dầu mỏ và do đó không thể thực hiện các biện pháp trả đũa quyết liệt”, ông Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel ở Brussels (Bỉ), nhận xét. “Sắc lệnh này rất mơ hồ và vẫn mang lại cho ông Putin lựa chọn để tiếp tục xuất khẩu sang các quốc gia áp đặt giá trần”.
Trong khi sắc lệnh của ông Putin đe dọa gây gián đoạn thị trường, các nhà đầu tư có vẻ vẫn không mấy lo lắng về điều này. Giá hợp đồng tương lai dầu Brent ngày 27/12 chỉ tăng nhẹ khoảng 0,5% lên 84,33 USD/thùng. Trước đó nhiều tuần, các quan chức Nga đã đe dọa sẽ cắt giảm nguồn cung để trả đũa giá trần.
Cùng tham gia áp đặt giá trần dầu Nga với Mỹ là Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Australia. Các quan chức phương Tây đang cố gắng hạn chế mức giá dầu mà Nga bán ra nhằm giảm bớt nguồn thu mà Chính phủ Nga có thể dùng cho cuộc chiến tranh ở Ukraine, đồng thời vẫn đảm bảo dòng chảy dầu Nga ra thị trường và ổn định giá dầu toàn cầu.
"Không phải nguồn cung, nhu cầu mới là vấn đề trên thị trường dầu"
Các nhà phân tích dầu mỏ và theo dõi tàu biển cho biết sản lượng dầu thô của Nga đã giảm kể từ khi lệnh cấm nhập khẩu dầu qua đường biển của EU và giá trần có hiệu lực từ ngày 5/12. Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Nga đã xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu/ngày qua đường biển từ đầu tháng 12 đến nay, giảm 22% so với bình quân 11 tháng của năm nay.
“Sự sụt giảm này chủ yếu đến từ các cảng phía Đông nước Nga, có thể do thời tiết mùa đông khắc nghiệt và nhu cầu yếu từ Trung Quốc khi việc mở cửa trở lại sau đại dịch đang đối mặt nhiều thách thức”, ông Matt Smith, nhà phân tích dầu mỏ của Kpler, nhận định. “Số lượng khách hàng mua dầu thô Nga qua đường biển đã giảm xuống còn khoảng 6 quốc gia, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc”.
Nga và các đối tác thương mại của Nga hiện đã phát triển một “đội tàu bóng đêm” với quy mô toàn cầu nhằm vận chuyền dầu thô mà không dùng các dịch vụ tài chính hay bảo hiểm của phương Tây. Hiện chưa rõ sắc lệnh của ông Putin có dẫn tới việc Nga hạn chế bán dầu theo giá thị trường cho các khách hàng như Ấn Độ hay không.
Theo Argus Media, cuối tuần trước, giá dầu Urals của Nga được giao dịch với giá 42,4 USD/thùng từ cảng Primorsk trên biển Baltic. Nếu giá thị trường của dầu Urals tăng lên hơn 60 USD/thùng, tác động của giá trần đối với thị trường có thể trở nên rõ ràng hơn.
“Dữ liệu cho thấy một số khách hàng ở Đông Nam Á đang tỏ ra lưỡng lự hơn khi mua dầu bị áp đặt trừng phạt, khiến một số tàu chở dầu phải chuyển hướng đến thị trường châu Á-Thái Bình Dương”. ông Robert Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng tương lai năng lượng tại Mizuho ở New York (Mỹ), cho biết. “Các tàu này đang tìm kiếm các thị trường ở Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng những quốc gia này đều đã mua đủ lượng dầu họ cần rồi”.
Các nước châu Âu đang chuẩn bị áp đặt lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga như diesel từ tháng 2 tới. Một số nhà phân tích cho rằng động thái này sẽ có tác động lớn hơn đối với thị trường toàn cầu. Các nước châu Âu cũng dự kiến áp đặt giá trần đối với sản phẩm dầu của Nga từ tháng 2.
“Xung đột năng lượng diễn ra đồng thời với chiến tranh đã góp phần gây ra những bất ổn chưa từng có đối với nguồn cung và dẫn đến sự biến động trên thị trường dầu mỏ”, ông Paul Sheldon, nhà phân tích rủi ro địa chính trị tại S&P Global Commodity Insights, nhận xét.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các bên tham gia thị trường có thể không muốn mua dầu Nga ở thời điểm này. Theo ông Yawger, nhu cầu dầu thô toàn cầu đã giảm những tháng gần đây, dù Trung Quốc đã mở cửa trở lại và thời tiết giá lạnh khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới. Giá dầu được dự báo có thể giảm trong những tuần tới nếu hoạt động kinh tế tiếp tục suy yếu.
“Không phải nguồn cung, nhu cầu đang là vấn đề lớn hơn trong bài toán này”, ông Yawger nói.