Theo báo cáo tài chính vừa được 28 ngân hàng công bố, tính đến cuối năm 2022, các nhà băng đã huy động được hơn 8,3 triệu tỷ từ tiền gửi khách hàng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Top 10 nhà băng huy động được nhiều tiền gửi khách hàng nhất đang đóng góp hơn 6,5 triệu tỷ đồng (ứng với tỷ trọng 78%), tăng 9,79% so với đầu năm.
BIDV, VietinBank, Vietcombank vẫn đang đứng đầu bảng xếp hạng với lượng tiền gửi khách hàng hơn 3,96 triệu tỷ đồng, tăng 7,85% so với đầu năm.
Trong đó, BIDV đứng đầu bảng với lượng tiền gửi huy động được từ khách hàng lên đến hơn 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 6,75% so với đầu năm.
VietinBank đứng thứ hai khi ghi nhận chỉ tiêu này đạt gần 1,25 triệu tỷ, tăng 7,25% so với đầu năm.
Vietcombank theo sau với lượng tiền gửi khách hàng đạt hơn 1,24 triệu tỷ, tăng 9,53% so với đầu năm. Đây cũng là nhà băng có lượng tiền gửi khách hàng tăng mạnh nhất trong các ông lớn kể trên.
Dẫn đầu khối tư nhân là Sacombank, tính đến cuối năm 2022, số dư tiền gửi khách hàng tại nhà băng này là hơn 455 nghìn tỷ, tăng 6,4% so với đầu năm.
MB theo sau với lượng tiền gửi khách hàng đạt gần 444 nghìn tỷ, tăng 15,31% so với cuối năm trước.
5 ngân hàng còn lại trên bảng xếp hạng các ngân hàng có tiền gửi khách hàng nhiều nhất gồm ACB (~414 nghìn tỷ); SHB (~362 nghìn tỷ) ; Techcombank (hơn 358 nghìn tỷ); cuối cùng là VPBank và LienVietPostBank khi ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng lần lượt là 303,15 và 215,89 nghìn tỷ đồng.
Về mặt tăng trưởng, có 16/28 ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng tăng trên 10%. Trong đó, có 4 ngân hàng ghi nhận chỉ tiêu này vượt 20%.
Cụ thể đứng đầu là TPBank, lượng tiền gửi khách hàng năm qua của nhà băng này đã được nâng từ 139,56 nghìn tỷ lên 194,96 nghìn tỷ, tăng hơn 55,4 nghìn tỷ (~40%)
VPBank theo sau với số dư tiền gửi khách hàng từ 241,8 nghìn tỷ đã được nâng lên lên thành 303,15 nghìn tỷ, tăng 61,31 nghìn tỷ (tăng 25,35%)
2 cái tên còn lại có tăng trưởng tiền gửi khách hàng trên 20% là ABBank (24%); MSB (23,78%).
Ngoài ra, còn một ngân hàng khác cũng có tăng trưởng tiền gửi áp sát mức 20% đó là LienVietPostBank, tăng 19,75% so với đầu năm. Đây cũng là nhà băng đứng vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng các ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao nhất năm 2022.
5 nhà băng còn lại trong top 10 ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi cao nhất là HDBank (17,74%); MB (15,31%); VIB (15,3%); Techcombank (13,87%); VietBank (13,83%).
Có một điểm đáng chú ý trong năm vừa qua đó là mặc dù vẫn tăng trưởng và đứng đầu bảng xếp hạng, song tỷ trọng đóng góp trong tổng huy động của 3 ông lớn BIDV, Vietcombank lại giảm so với đầu năm.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, các ông lớn này chiếm 47,61% trong tổng số dư tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng được khảo sát. Trong khi hồi đầu năm, con số này là 48,86%.
Theo các chuyên gia, mặc dù giảm tỷ trọng, song con số suy giảm kể trên là không đáng kể. Các ông lớn vẫn đang chiếm phần lớn trong tổng cơ cấu tiền gửi khách hàng của 28 ngân hàng và tiếp tục ghi nhận tăng trưởng.
Việc các ngân hàng nhỏ tăng tỷ trọng đóng góp trong lượng tiền gửi khách hàng một phần do năm qua các nhà băng này đã huy động với lãi suất cao hơn nhiều so với 3 ông lớn kể trên. Về dài hạn, nhóm big 3 lại có ưu thế về chi phí vốn rẻ hơn so với các nhà băng nhỏ.