Máy bay Bell 505 mang số hiệu VN-8650 thuộc sở hữu Công ty Trực thăng miền Bắc, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng, bị mất tín hiệu lúc 17h15 ngày 5/4, tại vị trí giáp ranh giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.
Đơn vị này đang vận hành hai máy bay trực thăng phục vụ đưa đón khách tham quan vịnh Hạ Long, được đưa vào sử dụng từ năm 2019. Theo người dân chứng kiến vụ việc, máy bay bị rơi gần một hòn đảo. Nhiều mảnh vỡ của máy bay được phát hiện trên mặt biển.
Bảo hiểm tai nạn trực thăng
Bảo hiểm trực thăng là loại hình bảo hiểm đặc biệt dành cho các hoạt động của máy bay cũng như những rủi ro xảy ra đến với khách hàng. Hầu hết đơn vị điều hành tour trực thăng đều ký kết với các đơn vị bảo hiểm chuyên nghiệp để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Hiện chưa rõ đơn vị khai thác tour và công ty bảo hiểm nào chịu trách nhiệm vụ rơi máy bay trực thăng tại Hạ Long hôm 5/4.
Trao đổi với một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh Hạ Long, mức cam kết bồi thường thiệt hại cho sự cố lên tới 30 triệu USD/sự vụ. Mức bồi thường này dành cho tối đa 4 hành khách, không bao gồm phi công.
Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, năm 2021, Tổng công ty Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) đã giải quyết bồi thường bảo hiểm 3,5 triệu USD tổn thất toàn bộ thân máy bay cho máy bay trực thăng EC-130T2 số hiệu VN-8632 thuộc Trung tâm Huấn luyện bay (Công ty Trực thăng miền Nam, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam).
Máy bay này bị tai nạn trong quá trình bay tập tại Vũng Tàu ngày 18/10/2016.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, có 3 phi công gồm một phi công giáo viên và 2 học viên trên máy bay. Xác chiếc máy bay bị rơi và 3 phi công hy sinh đã được tìm thấy một ngày sau đó. PVI cũng từng tạm ứng hỗ trợ 1,5 tỷ đồng cho gia đình 3 phi công hy sinh.
PVI là nhà bảo hiểm gốc cho toàn bộ đội bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam từ năm 2009, bao gồm các loại bảo hiểm như bảo hiểm thân máy bay, trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên máy bay và trách nhiệm pháp lý đối với phi hành đoàn.
Ngoài việc là nhà bảo hiểm chính cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, PVI còn là nhà bảo hiểm cho các hãng hàng không dân dụng tại Việt Nam, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (nay là Pacific Airlines), Vietjet Air.
Những bê bối ở nước ngoài
Tai nạn máy bay trực thăng, giống như các loại tai nạn hàng không khác, hiếm khi xảy ra. Nhưng khi một xảy ra, nó thường có thể dẫn đến thương tích hoặc tử vong nghiêm trọng.
Huyền thoại bóng rổ Mỹ Kobe Bryant và con gái nằm trong số 9 người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng ở thành phố Calabasas (California, Mỹ) vào tháng 1/2020. Vợ của Kobe, bà Vanessa Bryant, đã đệ đơn kiện công ty trực thăng Island Express Helicopters - công ty chủ quản của phi công đã thực hiện chuyến bay dẫn đến vụ tai nạn.
Theo TMZ, tổng giá trị bảo hiểm của Island Express Helicopters phải chi trả ước tính khoảng 50 triệu USD. Tuy nhiên, con số này được cho là không thỏa đáng với gia đình của cố huyền thoại bóng rổ Mỹ.
Phía bà Vanessa và các luật sư đã chỉ ra rằng phi công của Island Express Helicopters đã phạm 8 lỗi khác nhau như chủ quan và không đánh giá đúng thời tiết khi đó, đồng thời yêu cầu công ty này phải bồi thường thêm thiệt hại.
Trong một vụ rơi trực thăng thuộc Hải quân Australia hồi năm 2005 ngoài khơi bờ biển phía tây của Indonesia, khiến 9/11 người trên máy bay thiệt mạng, Lực lượng Phòng vệ Australia đã bồi thường 17,8 triệu USD cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn và chi 8,8 triệu USD cho một cuộc điều tra.
SMH dẫn tài liệu nộp tại Tòa án Liên bang ở Sydney cho biết chính phủ Australia đã kiện 24 công ty bảo hiểm với số tiền 19,8 triệu USD vì không hoàn trả chi phí bồi thường, bao gồm 2 triệu USD chi phí cho cuộc điều tra.
Ngày 27/10/2018, khi đang trên đường về nhà sau trận đấu giữa West Ham và Leicester City trong khuôn khổ vòng 10 Ngoại hạng Anh 2018/2019, chiếc trực thăng chở chủ tịch CLB Leicester City, ông Vichai Srivaddhanaprabha, bất ngờ gặp vấn đề và bốc cháy dữ dội.
Ông Vichai Srivaddhanaprabha cùng 4 người khác trên chiếc trực thăng đã không may mắn sống sót. Theo The Insurance Insider, công ty bảo hiểm AIG (Mỹ) chịu trách nhiệm chi trả thiệt hại cho vụ việc trên với số tiền lên tới 38 triệu USD.
Tuy nhiên, tập đoàn du lịch và bán lẻ Thái Lan King Power - chủ sở hữu của Leicester City - cho biết họ đã "từ chối" bồi thường cho gia đình của Nusara Suknama - người tháp tùng ông Srivaddhanaprabha trong chuyến bay xấu số.
Gia đình bà Nusara trước đó đã đệ đơn đòi chủ sở hữu Leicester City bồi thường thiệt hại 9,8 triệu USD. Trong một tuyên bố, King Power cho biết công ty đã cung cấp cho gia đình bà Nusara tất cả các hỗ trợ và hỗ trợ pháp lý, bao gồm cả yêu cầu bảo hiểm sau vụ tai nạn.