Không khí kinh doanh Tết Nguyên đán đã bắt đầu nhộn nhịp khi lượng hàng đổ về chợ và các siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh đang tăng từng ngày. Thông tin từ chợ đầu mối Thủ Đức cho biết lượng hàng về chợ sáng 14/1 đạt 3.521 tấn, tăng gần 11,7% so với hôm trước. Riêng trái cây về chợ đạt 1.650 tấn, tăng 65% so với cách đây 2 ngày. Một số mặt hàng cúng được chọn mua nhiều như, đu đủ, thanh long, bưởi da xanh còn cành nên tăng giá 2.000 - 3.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bưởi da xanh không cành vẫn ổn định ở mức 20.000 đồng/kg. Riêng quýt về ít, bán chạy nên giá tăng nhiều, từ 35.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Tấn Quang Vinh, Giám đốc kinh doanh Công ty CP quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, thông tin lượng hàng về chợ đã tăng từ đầu tháng chạp, ở mức 3.300 tấn/ngày, tăng 800 tấn/ngày so với trước đó, chủ yếu là các loại trái cây trong nước. Công ty đang bám sát diễn biến tại chợ để điều chỉnh thích hợp. Dự kiến từ 23 tháng chạp, chợ sẽ hoạt động 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết.
"Từ ngày 25 đến 28 tháng chạp là cao điểm nhất tại chợ, sản lượng ước tính khoảng 6.000 tấn, thấp hơn trước đây do ảnh hưởng các yếu tố như hàng hóa bị chia sẻ về các điểm kinh doanh tự phát ngoài chợ, sức mua yếu khi công nhân về quê sớm" - ông Vinh giải thích.
Khách mua tăng dần, người bán vui vẻ đóng hàng, tính tiền cho khách. Bà Kim Nga, tiểu thương bán hàng tại chợ Bà Chiểu cho biết, hiện sức mua các mặt hàng đã tăng lên. Giá cả hàng háo tương đối ổn định,. Từ nay đến tết dự báo sức mua sẽ tiếp tục tăng.
Tương tự, tại các hệ thống siêu thị ghi nhận lượng khách đông hơn hôm trước. Ghi nhận của PV tại nhiều hệ thống siêu thị như Emart, Co.opmart, Big C, Satra, MM Mega Market, Aeon… đều cho thấy lượng người đến mua sắm đã nhiều hơn. Các mặt hàng bán chạy dịp Tết cũng đang vào mùa hút khách.
Tại Emart Gò Vấp (quận Gò Vấp), khách mua sắm Tết tấp nập từ ngoài cho đến vào trong. Bên ngoài là khu vực các hãng bia, nước giải khát dựng lên cho tiện phục vụ. Bên trong, những ngày này, các khu vực đều đông đúc, xe đẩy hàng nối đuôi nhau. Khu vực bánh kẹo, thực phẩm khô, bún miến… chật kín người, các lối đi tại siêu thị này cũng hiếm còn chỗ trống. Khách phải nhường nhau, từng xe đẩy hàng lần lượt đi qua mới có thể di chuyển lọt.
Chị Ngọc Minh (TP. Thủ Đức) sau khi thanh toán xe đẩy hàng hơn 3 triệu, thở phào: “Nhiều mặt hàng khô như bánh kẹo, bún miến, đồ gia dụng để được lâu nên tôi tranh thủ mua trước, gần Tết chỉ mua thực phẩm tươi sống cho nhanh. Siêu thị đông quá, phải mất hơn cả tiếng hơn mới mua được hết bấy nhiêu đây”.
Đại diện Emart Việt Nam cho biết, hiện sức mua tại siêu thị đã tăng cao. So vưới năm 2021, sức mua đã tăng 15%, doanh thu cao hơn 10%. Dự kiến tuần cuối cận tết sức mua còn tăng cao hơn nữa. Người dân chủ yếu tập trung mua hàng nhu yếu phẩm và những món không thể thiếu trong dịp lễ, tết như bánh, nước ngọt, nước yến, bia, các loại hạt khô…
Tại các hệ thống của Saigon Co.op, từ cuối tuần đến nay, sức mua đã tăng 2-3 lần so với ngày thường. Khách chủ yếu chọn lựa những sản phẩm Tết như thực phẩm khô, bánh mứt, đồ trang trí, dọn dẹp nhà cửa… Giỏ quà Tết các loại cũng đang bước vào mùa cao điểm.
Đại diện các hệ thống siêu thị khác như Big C, Aeon, MM, Satra cũng cho biết sức mua đã bắt đầu tăng cận Tết, đặc biệt là giá trị giỏ hàng tăng nhiều so với ngày thường và mùa Tết các năm trước.
Sở Công Thương TP. Hồ chí Minh cho biết, để bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở sẽ tiếp tục phối hợp theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, điều tiết hàng hóa kịp thời, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong các dịp cao điểm để không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, mang lại sự an tâm mua sắm Tết cho người dân.