Cụ thể, nếu như tại thời điểm tháng 10/2021 dư nợ tái cơ cấu (theo các quy định tại Thông tư 01/2020, Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021 của NHNN) ở mức 159.198 tỷ đồng; thì đến cuối tháng 5/2022, dư nợ tái cơ cấu đã giảm xuống còn 94.760 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tháng 10/2021 là thời điểm mới thực hiện Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó đến nay dư nợ các khoản vay ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được các TCTD gia hạn nợ giảm dần cho thấy doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất kinh doanh và có thu nhập, dòng tiền trở lại để trả nợ vay ngân hàng. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của một số ngành kinh tế sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh. Bên cạnh đó nó cũng cho thấy việc cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đi đôi với chính sách cho vay mới với lãi suất thấp của ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đơn cử, anh Lê Văn Tùng - một tài xế ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, trước đại dịch Covid-19 anh sử dụng một phần vốn vay ngân hàng mua xe ô tô, chạy taxi công nghệ. Khi dịch bệnh bùng phát ở TP.HCM, anh phải ở nhà và đã được ngân hàng gia hạn thời gian trả nợ, miễn giảm lãi suất đã giúp anh không phải bán xe trả nợ. Sau khi TP.HCM kiểm soát được dịch Covid-19, anh Tùng cũng như bao nhiêu tài xế taxi lại tiếp tục hoạt động trở lại và hiện hoạt động taxi công nghệ đã hoàn toàn phục hồi khi mọi hoạt động trở lại bình thường.
Trong khi đó dư nợ cho vay mới với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì phục hồi sản xuất kinh doanh liên tục tăng. Số liệu thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM cho thấy, nếu tháng 10/2021 dư nợ cho vay mới của các TCTD trên địa bàn đạt 398.018 tỷ đồng với 342.514 khách hàng vay; thì đến cuối tháng 5/2022 đạt 463.162 tỷ đồng (tăng 16,3%) cho 694.739 khách hàng.
Lãnh đạo UBND TP.HCM đánh giá, những tháng đầu năm nay một số lĩnh vực kinh tế khởi sắc và tăng trưởng tích cực. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý I của TP.HCM đã lấy lại đà tăng (1,88%) sau hai quý liền kề trước đó âm 24,97% (quý III năm 2021) và âm 11,64% (quý IV năm 2021).
Có được kết quả đó một phần cũng nhờ các TCTD trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của NHNN Việt Nam nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng đối với 5 nhóm ngành ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao) áp dụng tối đa 4,5%/năm đã tạo điều kiện hỗ trợ chi phí tài chính cho những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh hậu Covid-19.
Ở chiều ngược lại, kinh tế phục hồi đã giúp tín dụng ngân hàng tăng trưởng nhanh trở lại, cũng như giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng thị phần, phát triển dịch vụ ngân hàng để gia tăng nguồn thu.
Đặc biệt theo các chuyên gia, thực tiễn triển khai các cơ chế gia hạn nợ, miễn giảm phí, lãi suất cho doanh nghiệp và cá nhân vay vốn ngân hàng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 sẽ là kinh nghiệm cho hệ thống NHTM triển khai hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước thời gian tới.