Cụ thể, tính đến ngày 15/8, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% cho các khách hàng doanh nghiệp với tổng dư nợ cho vay đạt 276,06 tỷ đồng. Riêng tháng 8, doanh số cho vay đạt 276,44 tỷ đồng cho 17 khách hàng. Số tiền hỗ trợ lãi suất khoảng 480 triệu đồng.
Như vậy, tổng dư nợ cho vay được hưởng lãi suất ưu đãi của các doanh nghiệp tại TP.HCM chỉ tương đương chưa đến 7% tổng dư nợ mà các ngân hàng thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp trên toàn quốc, dù mức chung này cũng chỉ bằng 0,5% tổng dư nợ dự kiến cho vay của Ngân hàng Nhà nước.
"Công tác hỗ trợ doanh nghiệp từ các gói phục hồi, kích cầu, lãi suất ưu đãi 2% đều chưa đạt yêu cầu. Tiền chưa đến được doanh nghiệp và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.
Tuy vậy, lãnh đạo thành phố cho biết các tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn đang duy trì mức lãi suất thấp nhằm tạo điều kiện cho khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đến nay, các ngân hàng thương mại đã tiếp nhận và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho 944/952 doanh nghiệp TP.HCM phản ánh bị thiệt hại do Covid-19, đồng thời giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 1,2 triệu doanh nghiệp còn dư nợ với số tiền gần 528 nghìn tỷ đồng .
Bên cạnh đó, TP.HCM đã huy động được 13 ngân hàng tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền cam kết hỗ trợ hơn 434 nghìn tỷ đồng . Đến nay, hơn 26.000 khách hàng được vay tổng cộng hơn 315,6 nghìn tỷ đồng theo chương trình này.
Mặt khác, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM cũng đang thực hiện cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, tổng dư nợ đến nay đạt 658,87 tỷ đồng .
Ngoài các chương trình tín dụng nhắm đến phục hồi sản xuất kinh doanh hậu đại dịch, hiện tại các doanh nghiệp tại TP.HCM vẫn được hỗ trợ theo một số chương trình khác. Với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, dư nợ cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đạt hơn 194,7 nghìn tỷ đồng với trên 35.000 khách hàng vay vốn. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng 75,44%.
Đồng thời, gần 3.800 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng đã được vay ưu đãi với tổng dư nợ hiện đạt hơn 227,7 nghìn tỷ đồng . Còn theo chương trình bình ổn thị trường, lũy kế 33 doanh nghiệp vay tổng cộng gần 696 tỷ đồng .
Trong tháng 8, TP.HCM ghi nhận các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc, nhiều doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại và nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức.
Dù vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng trong bối cảnh còn nhiều yếu tố rủi ro như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, các sở ban ngành cần tập trung tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao của thành phố.