Sáng 30/11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị lần thứ 19 để thảo luận về các dự thảo báo cáo kinh tế xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đầu tư xây dựng hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, hoạt động kinh tế đảng, tổng kết 5 năm thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy…
Kinh tế - xã hội phục hồi nhanh, nhiều thách thức
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, trước bối cảnh nhiều khó khăn tác động của tình hình thế giới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế xã hội TP.HCM đã phục hồi nhanh và khá toàn diện.
Trong năm 2022, dù đối diện nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội thành phố đã phục hồi nhanh và khá toàn diện. Dự báo tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 tăng trên 9%; 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt và 3 chỉ tiêu chưa đủ cơ sở đánh giá.
“TP.HCM đã góp phần rất quan trọng vào thành quả chung của cả nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với thành phố chiều 27/11.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thành phố đã, đang và sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều chủ trương, nhiệm vụ đã được tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, các chương trình giảm ngập nước, ùn tắc giao thông, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Ngoài ra, thực trạng vấn đề mới phát sinh liên quan đến tình hình tài chính, tiền tệ, trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, cung ứng xăng dầu… khiến thành phố đối diện không ít khó khăn.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, môi trường đầu tư
Trước bối cảnh đó, nhiệm vụ năm 2023 sẽ rất nặng nề, người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nhận định, thành phố phải thích ứng linh hoạt, chủ động quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành với những giải pháp sáng tạo, năng động để huy động các nguồn lực mạnh hơn nữa.
Dự án cảng quốc tế Cần Giờ sẽ tạo đột phá cho logistics. Ảnh minh họa.
Do đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị cần phân tích, dự báo tình hình; những thuận lợi, khó khăn, thách thức có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển của thành phố; dự báo những lĩnh vực sẽ gặp nhiều khó khăn để có giải pháp điều hành.
Đặc biệt, thảo luận cho ý kiến về chủ đề năm 2023: “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư” và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 7,5 - 8%. Đồng thời, góp ý, bổ sung, hoàn thiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm phải tập trung ưu tiên, đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển của thành phố trong năm 2023, tạo cơ sở vững chắc cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề nghị thảo luận, cho ý kiến về những giải pháp cơ bản, lâu dài, có ý nghĩa then chốt nhằm đảm bảo cho thành phố phát triển nhanh, bền vững, nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực, cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Song song đó, triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; sẵn sàng tổ chức thực hiện thí điểm các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép.
Nhận định về 2 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Thành ủy về tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, người đứng đầu Thành ủy cho rằng quá trình thực hiện Nghị quyết còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót làm phát sinh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong một bộ phận người dân. Bí thư Thành ủy đề nghị tập trung đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ nhằm giải quyết cơ bản các công tác trọng tâm.
Ba kịch bản dự báo kinh tế TP.HCM 2023
Mới đây, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) đưa ra 3 kịch bản dự báo về tăng trưởng kinh tế TP.HCM trong năm 2023.
Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt ở mức 7,5%, dự báo từ 6,94% – 8,1%. Kịch bản bất lợi, tăng trưởng đạt 7,03%, dự báo từ 6,47% – 7,59%. Kịch bản thuận lợi, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 8,08%, dự báo từ 7,52% – 8,64%.
Với kịch bản bất lợi, HIDS giả định, chính sách Zero Covid, khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng chuỗi cung cầu, gia tăng lạm phát; tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn suy thoái cùng với chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số nền kinh tế lớn kéo theo sức tiêu thụ sụt giảm.
Ngoài ra, chiến sự Nga – Ukraine theo chiều hướng xấu, khan hiếm nguồn cung xăng dầu, ngũ cốc, phân bón, lạm phát toàn cầu tiếp tục, dẫn đến giá cả hàng hóa trong nước có chiều hướng tăng.
Với tăng trưởng các khu vực kinh tế, diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp e ngại đầu tư. Ngoài ra, giá cả sinh hoạt tăng, thu nhập người lao động bị ảnh hưởng do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dẫn đến sức mua hàng hóa tiêu dùng trong nước giảm mạnh.
Với vốn đầu tư, thị trường chứng khoán và tiền tệ với những diễn biến theo chiều hướng tiêu cực ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp… Thu ngân sách không như kỳ vọng; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công bị ảnh hưởng.
Ngược lại, ở kịch bản tăng trưởng kinh tế thuận lợi, giả định được HIDS giả định lạm phát tại một số quốc gia lớn là đối tác thương mại của TP.HCM được kiểm soát tốt, chiến sự Nga – Ukraine bớt căng thẳng và Trung Quốc thay đổi chính sách Zero Covid, giúp doanh nghiệp có cơ hội tăng đơn hàng xuất khẩu, mở rộng sản xuất. Từ đó, nhu cầu lao động tăng, nguồn cung xăng dầu ổn định, giá cả được kiểm soát tốt thúc đẩy sức mua nội địa thì tăng trưởng kinh tế sẽ cao, đạt đến 8,08%.
Theo HIDS, cả 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM trong năm 2023 được xây dựng với giả định các yếu tố tác động tăng trưởng ở góc độ tổng cung, tổng cầu và phân tích năng lực nội tại của địa phương. Trong đó, kịch bản cơ sở là kịch bản nhiều khả năng thành phố sẽ đạt được.
Theo số liệu 10 tháng năm 2022 ghi nhận tổng vốn ngân sách nhà nước thực hiện là 23.274 tỷ đồng, đạt 53,4% kế hoạch năm, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước. Niềm tin nhà đầu tư nước ngoài khôi phục kéo theo tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM 10 tháng năm 2022 đạt 3,42 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của TP.HCM cũng là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế 10 tháng qua dù bối cảnh thế giới nhiều bất lợi. Số liệu cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2022 đạt gần 41 tỷ USD, tăng 13,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 53 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, HIDS cũng chỉ ra, dù khá nhiều chỉ số ghi nhận khá nhiều điểm sáng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2022 và tạo đà tăng trưởng kinh tế năm 2023. Xét cả quá trình 10 tháng đầu năm 2022, đặc biệt từ tháng 10, một số rủi ro tiềm ẩn đã xuất hiện, có thể tác động theo chiều hướng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế TP.HCM.
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thực hiện phát triển hệ thống hạ tầng cảng biển thành phố. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển cảng biển TP.HCM đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Đến năm 2030, lượng hàng hóa thông qua từ 461 đến 540 triệu tấn (hàng container từ 23 đến 28 triệu TEU); từ 1,7 đến 1,8 triệu lượt khách. Đến năm 2050, xây dựng hoàn thiện cảng biển TP.HCM đồng bộ, hiện đại ngang tầm với khu vực và thế giới, đáp ứng các tiêu chí cảng xanh...