Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hiện nay nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi tích cực, các doanh nghiệp đang rất cần vốn để khôi phục các chuỗi cung ứng, tuyển dụng lao động mới, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc… Hiện chi phí nguyên vật liệu, thuê mặt bằng đều tăng khiến áp lực vốn đối với doanh nghiệp càng lớn.
Đồng tình với ý kiến của đại diện HUBA, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang phải chịu “bão giá” khi nguyên liệu đầu vào tăng giá mạnh. “Tất cả nguồn chi phí nguyên phụ liệu ngoại nhập tăng từ 20-30%, trong nước giá xăng dầu cao kỷ lục. Chi phí đầu vào tăng, nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao. Dù có được ưu đãi về lãi suất nhưng cũng không bù đắp hết được và doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán, vì nếu tăng giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua, tác động tới lạm phát… Chúng tôi đang "khát" vốn trong bối cảnh này”, bà Chi nói.
Ông Huỳnh Đông Phan, Giám đốc một công ty may mặc xuất khẩu (Quận Thủ Đức) khẳng định, hơn bao giờ hết doanh nghiệp đang rất cần vốn để có thể phục hồi sau thời gian hoạt động bị đình trệ do dịch Covid-19. Doanh nghiệp đang rất cần thêm nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất, dự trữ nguồn nguyên liệu để chủ động sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động…
Theo các doanh nghiệp, gói hỗ trợ lãi suất 2% (có hiệu lực từ đầu tháng 1/2022) dành cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, có khoản vay trong năm 2022 -2023, được xem là nguồn vốn với chi phí thấp giúp người dân, doanh nghiệp tái khởi động lại dây chuyền sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới... Tuy nhiên, để doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP.HCM tiếp cận được gói tín dụng này một cách tốt nhất giúp tái đầu tư sản xuất, phục hồi phát triển, ông Nguyễn Phước Hưng kiến nghị các NHTM nên có chính sách hỗ trợ thêm.
Góp ý để giải bài toán về vốn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chỉ ra 6 dòng vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận. Đó là dòng vốn từ ngân sách nhà nước; nguồn vốn từ đối tác; vốn tín dụng, tài trợ từ chuỗi cung ứng, thuê tài chính; nguồn vốn nước ngoài; vốn huy động từ thị trường và vốn tự có, vốn góp. “Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận các dòng vốn từ nhiều kênh. Lâu nay doanh nghiệp thiếu vốn cứ nghĩ đến ngân hàng, điều này đúng nhưng chưa đủ. Có nhiều doanh nghiệp khó khăn về tài chính nhưng cũng không có phương án sử dụng vốn tốt, thiếu tài sản thế chấp. Do đó, doanh nghiệp cần công khai minh bạch, chuyên nghiệp trong quản trị kinh doanh để có thể dễ dàng tiếp cận các dòng vốn. Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, các địa phương đang triển khai xây dựng, tập huấn, tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này chỉ tập trung vào các lĩnh vực nhất định”, ông Lực nói.
Về chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP.HCM, Phan Văn Mãi cho biết từ năm 2021, TP.HCM đã phát động phong trào để Chính quyền và doanh nghiệp cùng chung tay phục hồi, phát triển kinh tế và "lấy lại những gì đã mất". Trong 6 tháng đầu năm, chính quyền TP.HCM và các ngành, các quận huyện tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong số các vấn đề còn tồn tại, các thống kê cho thấy lao động vẫn đang là vấn đề khó khăn bậc nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Thời điểm này có không ít ngành đang suy giảm lực lượng lao động, trong đó có những nơi trên 20%. Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi, đầu tư công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thâm dụng lao động, chuyển đổi số để tạo động lực tăng trưởng…
“Có thực tế là năng lực hấp thụ vốn tại thành phố đang còn yếu. Trước mắt, TP.HCM sẽ tập trung tháo gỡ thật nhanh những vướng mắc về cơ chế, thủ tục để đưa vốn lưu thông vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thành phố luôn tiếp thu ý kiến, hiến kế từ cộng đồng doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách, điều hành thông qua việc tham gia các cuộc họp quý, tháng, chuyên đề vì sự phát triển của địa phương”, ông Mãi khẳng định.