Sáng 23/2, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (TP.HCM) vừa khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Từ nhiều năm nay, tuyến kênh này ô nhiễm trầm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống người dân quanh khu vực bởi mùi hôi thối và nước bẩn.
Việc đầu tư dự án nhằm mục đích tiêu thoát nước, chống ngập và giải quyết ô nhiễm, tăng cường kết nối giao thông cho trục Bắc Nam, góp phần bảo đảm giao thông thủy theo tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp V.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận đây là dự án hạ tầng trọng điểm ở thành phố, mang tính dân sinh, phục vụ xã hội.
Công trình là một phần trong mục tiêu đột phá chống ngập, chỉnh trang đô thị trên địa bàn, khi là trục thoát nước chính cho gần 15.000 ha khu vực xung quanh. Hiện, toàn tuyến chỉ còn một phần diện tích chưa bàn giao thuộc địa bàn quận 12 và Gò Vấp, với 166 trường hợp bị ảnh hưởng.
"Cùng với tuyến kênh này, nhiều dự án khác về xử lý nước thải, thích ứng biến đổi khí hậu triển khai khai thời gian tới giúp cải thiện môi trường, thay đổi diện mạo đô thị cho trục bắc - nam ở thành phố", ông Mãi nói.
Trong tổng kinh phí thực hiện dự án, nguồn vốn từ Trung ương chiếm khoảng 4.000 tỷ đồng, phần còn lại 4.200 tỷ từ ngân sách thành phố. Việc triển khai công trình đang có nhiều thuận lợi khi công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã hoàn tất phần lớn từ giai đoạn trước, với hơn 3.200 hộ dân đã giải tỏa.
Khi hoàn thành, dự án sẽ tăng kết nối giao thông liên vùng với khu vực xung quanh. Ngoài hai đường xây dựng dọc bên giúp giảm tải cho quốc lộ 1, tuyến kênh góp phần kết nối giao thông thuỷ với Long An qua sông Chợ Đệm và Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn.
Dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã có chủ trương đầu tư từ năm 2000 nhưng do nhiều vướng mắc chưa thể khởi công. Trong nhiều năm liên tục, dự án nằm trong danh sách các công trình có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt dưới 10% của TP.HCM.